Chờ...

Đề xuất một cơ quan quản lý, kiểm soát chất lượng gỗ và mủ cao su xuất khẩu

(VOH) - Với diện tích cao su trên 900.000 hecta, gỗ cao su từ lâu đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam.

Mỗi năm diện tích này cung cấp cho thị trường trữ lượng bình quân khoảng 2 – 10 triệu m khối gỗ tròn, trong đó, tỷ lệ đóng góp từ các hộ tiểu điền ngày càng tăng dần, đạt khoảng 0,5 – 6 triệu m khối gỗ tròn/năm, chiếm 30 – 60% từ năm 2021 – 2040…

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức chiều ngày 11/11 tại TPHCM.

Bên cạnh mủ cao su, gỗ cao su đã trở thành một trong hai sản phẩm chính từ cây cao su, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 34% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su và đóng góp hơn 22% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

gỗ cao su
Hội thảo Khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam”

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, chuyên gia kỹ thuật dự án VRA nhìn nhận, sản phẩm gỗ cao su tiếp tục chiếm tỷ trọng cao hơn nguyên liệu gỗ cao su trong xuất khẩu, đạt 1,83 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 77%, tăng gần 11% và nguyên liệu gỗ cao su đạt hơn 551 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 23%, tăng hơn 10% so với năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ cao su đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Việt Nam dự kiến quy hoạch 800.000 hecta nhưng hiện đã đạt trên 940.000 hecta, vượt quy hoạch, cho nên không có sự khuyến khích của các cơ quan nhà nước mở rộng diện tích cao su. Tuy diện tích không tăng nhưng sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới” - Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa dự báo.

Bên cạnh đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ngành gỗ Việt Nam, gỗ cao su còn được đánh giá là nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường vì chỉ lấy gỗ sau khi đã thu hoạch mủ với chu kỳ 20 – 25 năm. Có thể nói, đây là một ưu thế quan trọng của gỗ cao su trong bối cảnh thị trường đòi hỏi sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam và trên thế giới.

Về quản lý nguồn mủ cao su để đảm bảo chất lượng, thương hiệu Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất: “Nên có một cơ quan kiểm soát quản lý về cao su, gỗ. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý về cây trồng, tức là giống cao su và quy hoạch. Một năm cả triệu tấn xuất khẩu ra khỏi biên giới thì ai kiểm soát chất lượng?

Tập đoàn thì kiểm soát được, đó là hệ thống nghiên cứu cao su và phòng VLAP, tức là cao su phải đạt chuẩn mới được xuất đi, còn của tiểu điền thì ai kiểm soát?. Trước mắt thì không sao nhưng về lâu dài, những điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cao su Việt Nam và đi theo nó là thương hiệu và giá trị, điều này mới nguy hiểm”.

mủ cao su
Gỗ và sản phẩm gỗ cao su đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ

Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) và cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU đều được sản xuất hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia khai thác.

Hiệp định VPA/FLEGT đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 và là cơ sở pháp lý để Việt Nam xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để xác minh gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp, và EU chỉ chấp nhận gỗ hợp pháp được cấp phép FLEGT nhập khẩu vào EU khi VPA được ký kết và hệ thống cấp phép đi vào vận hành.

Hiệp định này được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước không có VPA đầy đủ, bên cạnh những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Vào đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/2020 về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), có hiệu lực từ ngày 30/10/2020.

Hệ thống VNTLAS được xây dựng dựa trên các qui định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu. Đây là quy định pháp lý bắt buộc áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, trong đó có gỗ cao su được khai thác từ diện tích cao su trong nước.

Việc tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) sẽ có tác động lớn đến ngành cao su, đặc biệt là cao su tiểu điền, khi diện tích rừng trồng cao su năm 2019 đạt hơn 941.000 hecta, trong đó có hơn 479.000 hecta từ các hộ tiểu điền, chiếm hơn 51% tổng diện tích cao su cả nước.

Năm 2019, xuất khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su trị giá gần 2,4 tỷ đô la Mỹ. Qua đó, ngành gỗ cao su đã đóng góp hơn 22% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Ngành gỗ cao su Việt Nam không chỉ có tác động đáng kể trong thị trường nội địa, mà còn trong thị trường gỗ quốc tế.

“Cần xây dựng kế hoạch theo tiêu chuẩn quy định về môi trường, về chuỗi hành trình sản phẩm trong vận chuyển, trong sản xuất và tiêu thụ, cả chuỗi cung của chúng ta từ khi khai thác cây gỗ, đến vận chuyển, chế biến, thương mại, bắt buộc phải đảm bảo quá trình đó diễn ra theo quy định và đảm bảo cây gỗ được kiểm soát chặt chẽ”, Tiến sĩ Nguyễn Tử Kim, chuyên gia lâm nghiệp dự án VRA kiến nghị.

Bình luận