Dệt may Việt Nam dự báo xuất khẩu đạt khoảng 44 đến 45 tỷ đô Mỹ vào cuối năm nay

(VOH) - 9 tháng năm 2022, dự kiến con số xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam đạt khoảng 35 tỷ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ, đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam.

Để đạt được con số này, doanh nghiệp Dệt may Việt Nam đã phải thích ứng rất nhanh với thách thức của thị trường. Trước đây chúng ta chỉ xuất khẩu vào 5 thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thì bây giờ có thể chuyển dịch sang thị trường Nga và một số nước khác. Tuy nhiên, ngành này cũng đang chịu tác động rất lớn từ áp lực lạm phát trên toàn cầu. Do đó, lượng đơn hàng quý 3 vừa qua có giảm nhẹ và quý 4 dự báo sẽ giảm sâu hơn, sang đến quý 1/2023 có thể vẫn còn khó khăn và kéo sang nửa của quý 2/2023. Dù khó khăn, thách thức, song ngành này vẫn dự báo đạt con số xuất khẩu khoảng 44 đến 45 tỷ đô Mỹ vào cuối năm nay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Dệt may Việt Nam dự báo xuất khẩu đạt khoảng 44 đến 45 tỷ đô Mỹ vào cuối năm nay 1

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

*VOH: Ông đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam và tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Dệt may Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

- Ông Vũ Đức Giang: Ngành Dệt may Việt Nam thì một năm chúng tôi nhập khẩu bông các loại khoảng trên 4 tỷ đô la Mỹ, trong đó thì 8 tháng đầu năm 2022, toàn ngành nhập khẩu bông khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, chưa kể xơ và sợi các loại. Theo đó, xơ các loại cũng khoảng trên 2 tỷ đô la Mỹ nữa là trên khoảng hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Do đó, vấn đề thứ nhất là tôi cho rằng, ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam chúng ta - một nước mà không có bông mà chúng ta phải nhập khẩu bông toàn bộ các lĩnh vực.

Thứ hai, các cái sản phẩm xơ polyester và xơ tổng hợp ấy, chúng ta đã có một hệ thống các nhà máy sản xuất trong nước cũng đạt được khoảng 40 đến 45% rồi, còn lại chúng ta cũng phải nhập khẩu khoảng 55%.

Vấn đề thứ ba mà tôi cho rằng, nguyên liệu đầu vào của ngành Dệt may Việt Nam bây giờ, cơ cấu đã thay đổi trong giải pháp có tính toàn cầu. Theo đó, nó có sự thay đổi của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu, đưa ra những chính sách về vấn đề sử dụng loại các sản phẩm tái chế. Hiện nay, Việt Nam đã có những cái nhà máy sản xuất xơ cây gai xanh, trong đó, Tập đoàn An Phước ở Hà Nội đang sản xuất. Có 20 tỉnh thành đang trồng cái cây gai xanh, đặc biệt là các nhà máy sản xuất sợi sơn xanh ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiện có sản lượng tương đối tốt và cũng là một dòng sợi mà cả thế giới người ta cũng đánh giá rất là cao việc này.

Như vậy, Việt Nam đã có những sản phẩm xơ từ cây gai xanh. Tôi cho rằng, nguyên liệu đầu vào là một vấn đề then chốt của công việc phát triển dệt may, trên cơ sở đó, đối với công nghiệp dệt may Việt Nam thì tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và hội nhập toàn cầu, với 17 hiệp định thương mại mà Chính phủ Việt Nam chúng ta đăng ký với các nước thì tất cả những điều đó đòi hỏi một nền công nghiệp nói chung và nền công nghiệp dệt may Việt Nam nói riêng phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ những điều khoản cho Hiệp định thương mại, hoặc những đánh giá và đòi hỏi từ các nhãn hàng, khách hàng và người tiêu dùng để nó phù hợp. Nhưng còn vấn đề từ nguyên liệu đó ra được những sản phẩm sợi các loại, rồi dệt nhuộm thì đó là bước thứ hai - nhiệm vụ ngành dệt may Việt Nam đang phải bước trong giai đoạn này.

*VOH: Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ngành dệt may có giải pháp nào cho vấn đề này?

- Ông Vũ Đức Giang: Thời gian tới, tôi cho rằng, theo Luật chơi toàn cầu thì chúng ta phải chấp nhận luật chơi này, bất cứ một ngành công nghiệp nào cũng phải chịu một áp lực của Luật chơi toàn cầu. Ở đây nó có 3 vấn đề.

Thứ nhất, tôi cho rằng là những nhà đầu tư tài chính vào nguyên liệu đầu vào của các lĩnh vực công nghiệp, thì chúng ta đều bị ảnh hưởng vì áp lực của các tổ chức tài chính đầu tư.

Vấn đề thứ hai là nguyên liệu đầu vào mà chúng ta mua từ các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ - thị trường mà ngành công nghiệp kéo sợi của Việt Nam đã quen sử dụng sản phẩm bông Mỹ rồi. Bông Mỹ cũng chiếm tổng xuất khẩu của Việt Nam hằng năm trên 50%. Việt Nam là một nước nhập khẩu bông Mỹ tương đối lớn. Ngược lại, chúng ta là nước xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất hiện nay.

Vấn đề thứ ba, tôi cho rằng, bây giờ sợi và sơ hoặc là bông nó còn có những thay đổi rất mạnh mẽ trong tư duy và tầm nhìn của các nhà thiết kế thời trang, hoặc là tư duy và tầm nhìn của các nước đưa ra những chính sách sản phẩm. Họ đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải tổ chức sản xuất trong điều kiện môi trường xanh sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Như vậy, luật chơi ở đây là trên cơ sở chúng ta phải điều chỉnh thành xu thế và hội nhập của nguyên liệu đầu vào, tác động làm cho giá lên giá xuống cũng là một điều tất yếu. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu mà thách thức của thị trường lên xuống hay không, thì đó là mỗi một doanh nghiệp họ đều có những chính sách riêng để họ bắt kịp xu thế phát triển của ngành Dệt may Việt Nam.

*VOH: Ông thông tin về tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may hiện nay như thế nào?

- Ông Vũ Đức Giang: 9 tháng đầu năm 2022, chúng tôi dự kiến con số xuất khẩu đạt khoảng 35 tỷ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ - một nỗ lực của ngành Dệt may Việt Nam cực kỳ mạnh mẽ và lớn. Ở đây có 5 vấn đề lớn mà chúng ta có được con số này.

Thứ nhất, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chúng ta đã thích ứng rất nhanh với thách thức của thị trường. Chúng ta không còn 5 thị trường truyền thống như trước đây nữa, trước đây chúng ta xuất khẩu ở Mỹ và Châu Âu, vào EU và Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thì bây giờ chúng ta bắt đầu là chuyển dịch sang thị trường Nga và một số nước khác, doanh nghiệp chúng ta chuyển dịch rất là nhanh. Ở đây có liên quan đến vấn đề là Nga. Khi bị châu Âu, Mỹ cấm vận thì Nga bắt đầu quay ra các thị trường truyền thống, trong đó có thị trường Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ hai của ngành dệt may Việt Nam mà các doanh nghiệp chúng ta thích ứng trong cái bối cảnh là nhiều đơn hàng truyền thống chuyên môn hóa cao như là sản phẩm đồ jean, thun, các loại thì đều bị thiếu đơn hàng. Có những doanh nghiệp bị thiếu trên 35%, thì đến bây giờ các doanh nghiệp này bắt đầu chuyển dịch từ hàng dệt kim chuyển dịch sang hàng dệt thoi một cách rất nhanh chóng và thích ứng được. Chính điều này, tôi cho rằng nó đã tạo nên được con số xuất nhập khẩu của chúng ta tương đối là khả quan như vậy.

Vấn đề thứ ba, về các doanh nghiệp của ngành hiện nay, Việt Nam đầu tư vào công nghệ, tự động hóa và thích ứng được việc cơ cấu mặt hàng có thay đổi, do đó đầu tư thiết bị để thích ứng được với việc sản xuất các mặt hàng, từ dệt kim sang hàng dệt thoi.

Thứ tư, chúng ta là một nước cũng chịu áp lực lạm phát của các nước trên toàn cầu, trong đó thì Mỹ, EU hay Nhật Bản, kể cả Trung Quốc cũng bị các thách thức về lạm phát. Chính lạm phát đó thì lượng đơn hàng giảm. Quý 3 có giảm đi một chút, nhưng thách thức của quý 4, quý 4 này ngành dệt may sẽ bị giảm sâu.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dệt may họ đã biết cách xử lý, sắp xếp lại giờ làm việc, lao động và có thể có những doanh nghiệp làm trong một ngày 8 tiếng đồng hồ thôi, không phải làm thêm như trước đây nữa; Hoặc có những đơn vị chỉ có thể làm một tuần, năm buổi thôi, không cần phải làm 6 ngày như trước đây nữa. Mỗi doanh nghiệp họ đều phải thích ứng và khả năng thích ứng với các đơn hàng như thế nào thì họ phải sắp xếp lại. Họ vẫn phải lo tiền lương cho người lao động để họ giữ lao động khi có đơn hàng và thị trường khôi phục trở lại.

Vấn đề thứ 5, tôi cho rằng kết cấu thị trường của chúng ta, của các hiệp định thương mại để làm sao, chúng ta lấy được lợi ích từ các hiệp định thương mại. Tôi cho rằng, đối với thị trường EU là một thị trường mà có 27 nước thành viên EU.

Trước đây, chúng ta cứ tập trung vào một số nước lớn như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay Anh thôi, đến bây giờ ngành Dệt may Việt Nam chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 nước. Chúng ta đa dạng các nước trong thị trường EU thì đó là yếu tố tôi cho rằng tác động rất mạnh.

*VOH: Với những khó khăn thách thức ở thời điểm hiện tại, cũng như nỗ lực mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam thì theo ông, ngành này sẽ thế nào trong thời gian tới?

- Ông Vũ Đức Giang: Trong thời gian tới, tôi cho rằng, các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam chúng ta vẫn thích ứng được. Dù rằng chúng ta đánh giá quý 1/2023 có thể còn khó khăn, nó kéo từ quý 4 của 2022 này và thậm chí là sang nửa của quý 2/2023. Nhưng mục tiêu của ngành Dệt may Việt Nam năm nay chúng tôi vẫn đưa ra một con số xuất khẩu khoảng 44 đến 45 tỷ đô Mỹ.

*VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận