Chờ...

Doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu sau đại dịch

(VOH) - Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi nhanh chóng hành vi của người tiêu dùng, họ giao tiếp trên không gian số nhiều hơn, mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

Người tiêu dùng cũng nhạy cảm hơn về giá, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố sức khỏe… Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội nghị Thương hiệu 2022, do Forbes Việt Nam tổ chức vào chiều 27/10 tại TPHCM.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng thay đổi hành vi là thách thức lớn cho các nhãn hàng, buộc doanh nghiệp vừa phải thích ứng, định hình lại chiến lược xây dựng thương hiệu vừa thay đổi cách kết nối với khách hàng. Các thương hiệu lâu năm đứng trước sức ép sáng tạo để giữ chân khách hàng trong khi các thương hiệu non trẻ hơn với tư duy cởi mở đang sử dụng nền tảng số để rút ngắn sự cách biệt.

Doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu sau đại dịch 1
25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu 2022 được Forbes Việt Nam vinh danh.

Ông Nguyễn Anh Hòa – nhà sáng lập và CEO YouNet Group, cho rằng, thương mại điện tử dần chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng, ước tổng giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt 39 tỉ USD năm 2025. Đơn cử như nền tảng TikTok, lượng bán hàng trung bình mỗi ngày đã vượt cả Lazada và Shoppe cộng lại. Điều này đòi hỏi, doanh nghiệp phải có tư duy mới về công nghệ cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu mới hơn để đáp ứng được.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk cho rằng, sau đại dịch, người tiêu dùng càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe. Vì vậy, các doanh nghiệp phải sáng tạo để thích ứng nhanh với người tiêu dùng và đón đầu xu hướng của người tiêu dùng để phát triển. “Chúng tôi chọn chuyển đổi số và sẵn sàng thử nghiệm các sáng kiến mới để dễ dàng chạm đến nhu cầu khách hàng. Mình phải xây dựng thương hiệu từ những cái nhỏ nhất, chất lượng phải đặt lên hàng đầu, giá cả mang tính cạnh tranh và dịch vụ phải tốt nhất, như vậy mới tạo nên uy tín của thương hiệu” – bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk nói thêm.

Tại hội nghị, nghệ sỹ Tóc Tiên sẽ chia sẻ về câu chuyện cá nhân trong hành trình xây dựng thương hiệu bản thân và hợp tác với các nhãn hàng qua chủ đề Vị đại sứ thương hiệu. Có thể thấy xu hướng vô cùng phổ biến hiện nay là tiếp thị thông qua người có ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng đang được các doanh nghiệp chọn làm chiến thuật thu hút khách hàng. Đây là hình thức phổ biến và mang lại doanh thu tốt cho cả doanh nghiệp lẫn người đại diện. Tuy nhiên, không chỉ các nhãn hàng đưa ra tiêu chí, người đại diện cũng cần có những tiêu chí riêng để quyết định tiến đến hợp đồng. Theo nghệ sỹ Tóc Tiên, người đại diện cũng cần biết nói lời từ chối với những nhãn hàng không hoặc đã không còn phù hợp với định hướng cá nhân của nghệ sỹ ấy.

Forbes Việt Nam đã vinh danh 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu 2022 và 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu 2021. 

Bình luận