Chờ...

Doanh nhân Phù Tường Nguyên Dũng: Mang sâm Việt - Chào thế giới

(VOH) - Sau 3 năm nghiên cứu, tốn hàng triệu đô la Mỹ, đề tài nghiên cứu khoa học về sa sâm Việt Nam đã được tạp chí khoa học quốc tế SCOPUS chấp nhận công bố.

Sa Sâm Việt một loài cây có điều kiện sinh trưởng giống như loài rau dại với hàm lượng Saponin 1.7%. Sau 3 năm nghiên cứu, tốn hàng triệu đô la Mỹ, đề tài nghiên cứu khoa học về sa sâm Việt Nam đã được tạp chí khoa học quốc tế SCOPUS chấp nhận công bố.

Giá trị Saponin trong sa sâm tăng từ 10.8% - 12.54%, polyphenol 290 mg/g cao hơn rất nhiều loài Sâm của các quốc gia khác. Đó là câu chuyện của một người có tình yêu với dược liệu Việt Nam, và khát vọng mang nguồn dược liệu quý giá ấy giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Tháng 9 tới, Sa sâm Việt sẽ lên đường đi Mỹ - cùng với các sản phẩm thương hiệu Việt khác tham gia Global Expo 2019.

Từ bỏ công việc hiện tại nhiều người trẻ mơ ước – chủ cơ sở sửa chữa ô tô, Phù Tường Nguyên Dũng đã lập Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ - công ty Cổ phần Sa sâm Việt với niềm đam mê khởi nghiệp từ chính mảnh đất quê hương Bến Tre, bắt đầu từ cây sa sâm mọc trên cát. Ông Phù Tường Nguyên Dũng hiện còn là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Bến Tre.

Doanh nhân Phù Tường Nguyên Dũng

Doanh nhân Phù Tường Nguyên Dũng.

*VOH: Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông bén duyên với cây sa sâm?

- Ông Phù Tường Nguyên Dũng: Có lẽ mọi người nghĩ đây là lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thật sự đây là nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu của Việt Nam. Bản chất công việc của tôi là về kỹ thuật ô tô, tôi cũng là rất nhiều ngành nghề khác nhau. Ở Bến Tre, vùng biển nắng gió, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Bản thân mình trong quá trình lập nghiệp, lập thân cũng tích lũy được ít vốn liếng. Khi tôi về vùng đất ấy, bản thân tôi nghĩ cần phải có một sự thay đổi, nhất là khi tỉnh Bến Tre phát động phong trào Đồng khởi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, điều này cũng tạo cho mình động lực muốn làm điều gì đó cho quê hương, đặc biệt là đem lại sự đổi thay cho vùng cát nắng gió Thạnh Phú. Cách đây 10 năm, khi tôi về Thạnh Phú để đầu tư một số dự án du lịch, tôi đã biết đến cây sa sâm. Nhưng thời điểm đó, tôi chưa có điều kiện, nên mình cứ ấp ủ cho đến cách đây 3 năm mới chính thức bắt tay vào nghiên cứu. Thứ nhất, qua đề tài nghiên cứu sa sâm Việt để khẳng định nó là một loại sâm mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí là đưa nó đến cho thế giới biết bởi những giá trị của nó. Mặt khác, tôi mong muốn nó sẽ tạo thành một sản phẩm du lịch tại địa phương dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, bằng quy trình đặc biệt do mình nghiên cứu và trồng cây sâm tạo nên giá trị cho nó.

*VOH: Vì sao lại lựa chọn cây sa sâm và chọn đúng vùng đất Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) để phát triển?

- Ông Phù Tường Nguyên Dũng: Về dược liệu, để có một loại dược liệu tốt, trước tiên cây phải được sống trên chính vùng đất đó. Thứ hai, giá trị của nguồn dược liệu càng lớn, vùng đất đó lại càng khắc nghiệt lại càng tạo ra giá trị hàm lượng dược liệu cao. Câu chuyện là làm sao cho nó sống được ở vùng đất đó, hấp thu tinh hoa đất trời thì nó sẽ tạo ra giá trị lớn. Vấn đề ở chỗ, Bến Tre là một vùng đất tôi nghĩ không nơi nào có được mà phù hợp với cây sâm này, đó là khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng (vùng đất được hình thành bởi ba dãy cù lao, bốn nhánh sông Mê Kong bồi tụ), chính phù sa khoáng chất của vùng này đã hỗ trợ nuôi dưỡng cây làm cho giá trị của cây sâm tăng hơn so với trồng ở những nơi khác.

Sơ chế sa sâm

Sơ chế sa sâm.

*VOH: Bắt tay nghiên cứu sa sâm từ năm 2016, khi sản phẩm đầu tiên ra thị trường sau quá trình nghiên cứu khoa học, ông nhớ lại cảm giác lúc đó như thế nào, cùng với các cộng sự của mình?

- Ông Phù Tường Nguyên Dũng: Rất khó để tả hết niềm vui. Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã trải qua rất nhiều thật bại. Bởi, chưa có ai trồng sa sâm trên cát bao giờ. Có những trận mưa khiến cho quá trình nghiên cứu của chúng tôi phải làm lại từ đầu, tiền tỉ cũng trôi theo mỗi trận mưa như vậy. Hoặc lúc nắng liên tục, cây chết. Lúc mới nghiên cứu, cây sâm sống được chỉ khoảng 10%. Cho nên, khi chúng tôi xây dựng được quy trình trồng: không những cây sa sâm sống được, tỷ lệ thành công cao, mà hàm lượng dược chất saponin từ 1,7% lên 12, 54% là điều hạnh phúc nhất khi chúng tôi nghiên cứu. Một số liệu nữa là Polyphenol là chất chống oxy hóa 290,9 mg/g, cao hơn rất nhiều lần 100 loài dược liệu khác được thế giới công nhận có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất. Từ kết quả đó tạo cho chúng tôi động lực để chúng tôi tiếp tục đi theo tiếp tục công việc nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, hạnh phúc nhất khi sản phẩm ra đời, đó là thành quả, vì thật sự một doanh nghiệp đi vào nghiên cứu khoa học rất ít ai đi theo con đường này, hầu như rủi ro rất cao.

*VOH: Ông có kỳ vọng đưa sản phẩm nghiên cứu từ sa sâm Việt của mình trở thành sản phẩm không chỉ là sản phẩm đặc thù của địa phương Bến Tre, mà khi nhắc đến Việt Nam với một loài sâm Việt, ông đã từng nghĩ đến?

- Ông Phù Tường Nguyên Dũng: Tôi đã đặt mục tiêu ngay khi tôi bắt tay nghiên cứu, từ khi tôi làm xét nghiệm quy trình trồng sâm cho hàm lượng Saponin tăng lên, thì phải khẳng định rằng, đây là một tài nguyên bản địa – tài nguyên quốc gia. Bởi vì hai giá trị Saponin và Polyphenol trong các dược liệu trên thế giới, thì sâm của chúng ta hơn rất nhiều lần chứ không thua kém. Ở giai đoạn hai, chúng tôi nhân rộng mô hình và chuyển giao cho người dân, đầu tư cho họ - đó là thành lập Làng sâm Việt. Nơi đó, sẽ kết hợp tổ chức những tour cho du khách trải nghiệm thưởng thức những sản phẩm từ sâm Việt.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận