Chờ...

Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOH) - Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đã chia sẻ về những hệ quả của hạn mặn năm 2020, làm cho hơn 160.000 ha đất bỏ hoang, hơn 1.000 điểm công trình bị sụt lún.

Chiều ngày 25/3, Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (Viện RED), phối hợp Công ty Transtele France International (CFI, Cộng Hòa Pháp) tổ chức hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở đồng bằng Sông Cửu Long: Tìm kiếm chính sách thích hợp cho chuyển đổi sản xuất”.

Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu 1
 
Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung: tác hại của biến đổi khí hậu và thiên tai đến đồng bằng Sông Cửu Long; Quy luật thủy văn lũ, hạn, xâm nhập mặn; Nhu cầu sản xuất lúa; Công cụ chính sách và chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng Sông Cửu Long; Giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học mới và mạng lưới các nhà khoa học cùng chuyên đề…

Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ, hạn mặn năm 2020 làm cho hơn 160.000 ha đất bỏ hoang, hơn 1.000 điểm công trình bị sụt lún, 96.000 gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 80.000 ha vườn cây bị thiệt hại…

Để giải quyết những thiệt hại do biến đổi khí hậu tại đồng bằng Sông Cửu Long, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng: "Nên chọn giải pháp không hối tiếc hoặc ít hối tiếc và làm từ từ.

Thứ nhất là tìm giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên để phục hồi. Chẳng hạn như bị hạn mặn thì mình trồng cây rửa mặn hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Nếu không thành công thì mới đi đến bước thứ 2 là chuyển đổi cơ cấu, thay vì trồng lúa, chúng ta tìm giống lúa chịu mặn, rồi đến nuôi tôm, điều chỉnh lịch thời vụ. Nếu không thành công nữa, chúng ta mới đi đến việc đầu tư công trình nhỏ.

Bỏ tiền ra ít nên có sai chúng ta ít hối tiếc, nếu không đạt nữa, chúng ta mới nghĩ đến việc làm công trình lớn hơn".

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn thảo thêm kết quả từ nghị quyết 120 của Chính phủ. Đây là nghị quyết đã mở đường cho đồng bằng Sông Cửu Long cất cánh, phát triển thịnh vượng, bền vững; Góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, gỡ nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư; Đồng thời chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên, diện tích canh tác 3 vụ lúa được cắt giảm, nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ.

Bình luận