Chờ...

Dù bị tác động của đại dịch, một số ngành hàng tại TPHCM vẫn tăng trưởng cao

(VOH) - Dưới tác động của đại dịch, một số ngành hàng của thị trường bán lẻ TPHCM vẫn đạt tăng trưởng cao như: sữa đặc có đường, sữa chua bánh mềm, mì ăn liền, sữa uống liền.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, tại hội thảo Vietnam Business Outlook, chủ đề: “Chuyển đổi số, vắc xin cho doanh nghiệp Việt” do Cộng đồng Quản lý doanh nghiệp vừa tổ chức, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường bán lẻ tại Nielsen IQ cho biết, dưới tác động của đại dịch, một số ngành hàng của thị trường bán lẻ TPHCM vẫn đạt được sự tăng trưởng cao : sữa đặc có đường, sữa chua bánh mềm, mì ăn liền, sữa uống liền.

Trong khi đó, một số ngành bị ảnh hưởng nặng: nước ngọt, trà uống liền, nước tăng lực, bia, thuốc lá, nước đóng chai, kẹo cao su và sản phẩm chăm sóc cá nhân…

Đến thời điểm tháng 10/2021, Việt Nam có 8.539 cửa hàng.

“Đối với những khách hàng mua sắm trực tuyến, họ sẽ quan tâm đến thị trường nội địa, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chi phí hợp lý hơn, hương vị phù hợp hơn. 59% sẽ mua hàng tiêu dùng, 64% sẽ sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên. 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên sau Covid”- bà Nguyễn Cao Ngọc Dung nói.

Tác động của đại dịch, một số ngành hàng của thị trường bán lẻ TPHCM vẫn đạt sự tăng trưởng cao 1
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo Vietnam Business Outlook, chủ đề: “Chuyển đổi số, vắc xin cho doanh nghiệp Việt”

Bà Dung dự báo có đến 85% người tiêu dùng Châu Á sẽ quan tâm về vấn đề chi phí, thay đổi hình thức mua sắm và tiêu dùng. Do đó thương mại điện tử sẽ gắn liền với hành vi mua sắm. Thương hiệu nào có hàng hóa chất lượng, giao hàng nhanh sẽ chiếm được tình cảm người tiêu dùng.

Theo ông Đỗ Hòa - Tổng Giám đốc Công Ty Tư Vấn Tinh Hoa Quản Trị, doanh nghiệp cần xem xét lại chiến lược trong ngắn hạn theo từng quý để điều chỉnh phù hợp, điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, mô hình quản lý phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc tập trung những thế mạnh theo phương pháp management portfolio - quản lý theo danh mục, đánh giá các quyết định chiến lược của doanh nghiệp.

Ngay cả nguồn nhân lực cũng sẽ chia nhỏ ra những mảng nào nguồn lực nội bộ đảm đương và nguồn nào sẽ thuê bên ngoài để tiết kiệm chi phí, tận dụng kỹ năng, trình độ tri thức của giới chuyên gia bên ngoài theo mô hình GIS.

“Về nguồn lực, cơ sở thiết bị hạ tầng, để vận hành suôn sẻ như trước thì không phải câu chuyện 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng. Tôi cho là ít nhất 1 năm sau khi dịch tạm được kiểm soát, người ta mới điều phối được lượng tàu, lượng container, chạy được bình thường”- ông Đỗ Hòa  dự báo.

Bình luận