Chờ...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2024, TPHCM nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công hơn 79.000 tỉ đồng

VOH - Ước tính đến hết kỳ kế hoạch ngày 31/1/2024, TPHCM giải ngân hơn 49.400 tỷ đồng, đạt 72% so với kế hoạch vốn UBND thành phố giao và đạt 70% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trả lời VOH.

*VOH: Xin bà cho biết, hiện tại giải ngân đầu tư công của TPHCM tính đến cuối năm 2023?

Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Năm 2023, thành phố thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công cao kỷ lục. Tính đến thời điểm 31/1/2024 - kết thúc năm giải ngân của 2023 - được khoảng hơn 49.490 tỉ đồng, vượt gấp 1,8 lần so với năm 2022.

Con số này cũng nói lên sự nỗ lực, cố gắng trong tình huống vẫn còn những khó khăn khách quan và chủ quan của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, cũng như các chủ đầu tư; góp phần đưa vốn vào nền kinh tế và giải quyết một số dự án lớn, quan trọng có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. 

*VOH: Cụ thể đó là những dự án nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Trong lĩnh vực cấp thoát nước, Y tế, giáo dục có dự án cầu Long Kiểng, dự án Bệnh viện Nhi Đồng 1, các dự án thoát nước ở đường Nguyễn Cư Trinh. Đó là những dự án tập trung giải quyết phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2024, TPHCM được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 79.000 tỉ đồng 1
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - Ảnh: Lệ Loan

*VOH: Bước sang năm 2024, số vốn TPHCM được giao rất cao, theo bà, thành phố có giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?

Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 79.000 tỉ đồng, kể cả vốn trung ương và vốn địa phương. Đây tiếp tục là một thách thức và yêu cầu sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, các chủ đầu tư, các cơ quan chủ quản.

Trong tháng 1/2024, thành phố tổ chức hội nghị về công tác đầu tư công, từ đó có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện trong năm 2024 hiệu quả hơn.

Công tác đầu tư công 2024 phải chú ý nhiều giải pháp tập trung để thực hiện. Các tổ công tác về đầu tư công phải tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình hoạt động.

Một khó khăn của công tác đầu tư công, đó là Luật Đấu thầu đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đến nay chưa có các nghị định, thông tư hướng dẫn. Do đó, đối với các dự án đã sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch, còn phải đợi các thông tư hướng dẫn thì mới có thể thực hiện công tác đấu thầu thực hiện dự án.

Trong năm 2023 vừa qua, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã có ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ công tác đầu tư công. Về hoạt động giải đền bù với mặt bằng mà không đảm bảo được đúng tiến độ thì ảnh hưởng đến công tác xây lắp. Do đó, làm sao đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vì trong kế hoạch năm 2024, hơn 30% vốn sẽ dành cho các dự án xây dựng.

*VOH: Trong giải ngân đầu tư công, các thủ tục hành chính cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án. Ý kiến của bà thế nào?

Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Thủ tục hành chính trong công tác giải ngân đầu tư đầu tư công mà chậm sẽ ảnh hưởng toàn bộ tiến độ dự án. Thành phố đang tập trung cố gắng cung cấp, phân quyền hơn nữa cho các đơn vị quận, huyện, thành phố trực thuộc, để chủ động hơn trong sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện thủ tục tư công.

Thành phố yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa và chủ động cùng với chủ đầu tư để đón đầu thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ. Làm sao không cần phải điều chỉnh, bổ sung, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Các sở, ngành cũng cố gắng phấn đấu giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục theo quy định, bằng các cơ chế tổ chức họp liên ngành để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Từ đó, giúp cho các dự án nhanh chóng triển khai.

*VOH: Xin cám ơn bà.

Bình luận