Chờ...

KCN Hiệp Phước sẽ tham gia thí điểm phát triển thành KCN sinh thái

(VOH)- Sáng 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp".

Hội thảo tập trung vào các quy định về chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nhằm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022 của Chính phủ tại TPHCM trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ.

KCN Hiệp Phước sẽ tham gia thí điểm phát triển thành KCN sinh thái 1
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lãnh đạo TPHCM, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) chia sẻ, thảo luận với các doanh nghiệp

Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là hơn 1,8 triệu đô la Mỹ, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các khu công nghiệp: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C). Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình Khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Theo đó, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Với hơn 400 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 Khu công nghiệp tại TPHCM, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Bà Ngọc khẳng định, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là một chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước trong suốt 30 năm qua để nhằm thu hút cho nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số các quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế để nhằm hoàn thiện và phát triển mô hình này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc nước và môi trường tại Khu Công nghiệp Amata nêu một số khó khăn như các doanh nghiệp có quy trình sản xuất khác nhau, nên việc cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái sẽ gặp khó khăn. Thứ hai, khó khăn trong việc cộng sinh trong quá trình tuần hoàn nước. Việc tái sử dụng nguồn nước thải dùng trong việc  cho tưới tiêu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. 

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN-KCX

Từ góc nhìn của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao định hướng và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Bà Thảo cho biết, UNIDO cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương và doanh nghiệp đã triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái từ năm 2014 tại 3 khu công nghiệp. Giai đoạn 2 từ năm 2020 tại thêm 3 khu công nghiệp, qua đó minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình khu công nghiệp sinh thái.  “Việc tích hợp phát triển khu công nghiệp sinh thái vào các chính sách của Chính phủ như nghị định 82 trước đây và nghị định 35 mới được ban hành gần đây là dấu mốc quan trọng để định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái”  

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ áp dụng công nghệ và các phương thức sản xuất tiên tiến, các giải pháp sử dụng tài nguyên và phương pháp sạch hơn, tái sử dụng, cộng sinh công nghiệp tại các khu công nghiệp tham gia, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm điện, nước, nguyên nhiên vật liệu, hóa chất đầu vào, giảm chất thải, khí thải trong quá trình sản xuất.  

Đối với định hướng phát triển các Khu Công nghiệp trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM – Võ Văn Hoan, các khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn. TPHCM sẽ thí điểm xây dựng mới một  khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu, gắn với công nghiệp 4.0 trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.

KCN Hiệp Phước sẽ tham gia thí điểm phát triển thành KCN sinh thái 2
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM xác định Khu Công nghiệp Hiệp Phước sẽ tham gia vào dự án này

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu sinh thái toàn cầu tại TPHCM, trong đó Thành phố xác định Khu Công nghiệp Hiệp Phước sẽ tham gia vào dự án này. Kết quả của dự án là tiền đề để nhân rộng, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TPHCM và trên cả nước.

Tại hội thảo lần này, tôi cũng rất mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận của các bạn về cơ chế chính sách, cũng như kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cho việc chuyển đổi, xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nhằm giúp cho các bộ ngành trung ương, UBND TPHCM, trong đó có địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách theo thẩm quyền về khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nói.

Bình luận