Chờ...

Kinh tế TPHCM đang có dấu hiệu phục hồi

(VOH) - 8 tháng qua, bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tốc độ dẫn đầu với mức tăng gần 18% so với cùng kỳ. 

Chiều ngày 9/9, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh và bàn giải pháp cho những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, qua 40 ngày, TPHCM không phát hiện dịch bệnh lây lan từ cộng đồng.

Có 16/16 ca mắc dịch Covid-19 đã chữa khỏi. Hàng tuần, lãnh đạo thành phố họp giao ban với các quận huyện để triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời tình hình bùng phát của dịch bệnh, trong đó, Thành phố có lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh.

: Quang cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2020

Trong tháng 8 qua, khách quốc tế mới đến TPHCM là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng qua, khách quốc tế mới đến TP.HCM đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm hơn 76% so với cùng kỳ, đạt hơn 14% kế hoạch năm 2020.

Tuy vậy, ông Phong cho hay, kinh tế thành phố đang có dấu hiệu phục hồi. 8 tháng qua, bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tốc độ dẫn đầu trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố với mức tăng gần 18% so với cùng kỳ  do có thị trường tiêu thụ, đơn hàng sản xuất nhiều, ổn định.

Nhìn chung, sự phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của chúng ta cũng có bước tăng trưởng khá. Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân 8 tháng là 21.280 tỷ đồng, đạt 51,5%.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các địa phương, sở ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, khởi công một số công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, lãnh đạo thành phố lưu ý: Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, duy tu nạo vét luồng Xoài Rạp, lắp van cống ngăn triều, dự án về trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, nâng cấp mở rộng đường Tô Ký; xây dựng cầu thép An Phú Đông, hình thành hệ thống đường thoát nước quận Thủ Đức… đó là những công trình cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. “Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban quản lý xây dựng các công trình dân dụng, Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị quận Thủ Đức, 10, Bình Chánh, công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố chuẩn bị lễ khánh thành và khởi công dự án theo đúng thời gian”, ông Phong nhắc.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 vừa qua ước đạt khoảng hơn 105.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 827.000 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 8 tháng qua ước đạt hơn 28 tỷ đô la Mỹ, tăng 4% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Hàng rau quả tăng 34,19% so với cùng kỳ;

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,2% so với cùng kỳ; Gạo tăng 14,24% so với cùng kỳ;... Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 8 tháng ước đạt hơn 32 tỷ đô la Mỹ , giảm gần 3% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng gần 29% so với cùng kỳ; Sản phẩm hóa chất tăng gần 1%...

Tại buổi họp báo vào chiều cùng ngày 9/9, thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM – Trần Đình Cường cho hay, đến nay, các ngân hàng thương mại thành phố đã hỗ trợ cho hơn 270.000 khách hàng với số dư nợ là hơn 583.000 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 171.000 khách hàng với dư nợ đạt hơn 142.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho hơn 18.000 khách hàng với dư nợ đạt gần 54.000 tỷ đồng và cho vay mới lũy hơn 51.000 khách hàng với doanh số đạt hơn 387.000 tỷ đồng. Đã tiếp nhận gần 700 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19; trong đó đang xử lý 11 trường hợp, đã có kết quả xử lý 714 trường hợp.

Ông Trần Đình Cường khẳng định, nguồn vốn cho vay này là của các ngân hàng thương mại chứ không phải của nhà nước, do đó các ngân hàng này cũng phải đảm bảo và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện cho vay để bảo toàn nguồn vốn. “Giai đoạn này, lãi suất có phần giảm, một mặt do Ngân hàng Nhà nước đã dùng các công cụ chính sách tiền tệ của giảm lãi suất cho vay tái chiết khấu, giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn, giảm quy định dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại… do đó các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, có nguồn tài chính để giảm lãi suất cho vay”- ông Cường nói.

Dự án hãng hàng không Cánh Diều chưa đáp ứng các diều kiện thành lập - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến về dự án thành lập hãng vận tải hàng không Cánh Diều.

                                                                                                                        Lệ Loan

Bình luận