Chờ...

Ngân hàng tăng lãi suất kiềm chế lạm phát, giảm áp lực tỷ giá: Doanh nghiệp đang chịu tác động kép

(VOH) – Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi thì doanh nghiệp cho biết họ đang chịu nhiều tác động kép khiến việc sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1%, lên 6%/năm vào tối ngày 25/10, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt công bố lãi suất mới theo hướng tăng. Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát và giảm áp lực đối với tỷ giá. 

Ngân hàng Sacombank tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1 - 4,6%/năm trước đó lên 5,6 - 6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4 - 1,5%/năm. Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online thì lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 - 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.  

Một loạt ngân hàng khác cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong đó BacABank, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần 6%/năm. 

Với kỳ hạn dài hơn, các ngân hàng này tăng lãi suất so với mức đầu tháng. SeABank cũng tăng lãi suất thêm 1 - 1,2%/năm ở tất cả kỳ hạn. 

Việc tỷ giá và lãi suất ngày càng tăng, doanh nghiệp cho biết họ đang chịu nhiều tác động kép khiến việc sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. 

Xem thêmCác ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sau điều chỉnh của NHNN

Ngân hàng tăng lãi suất kiềm chế lạm phát, giảm áp lực tỷ giá: Doanh nghiệp đang chịu tác động kép 1
 Doanh nghiệp cho biết họ đang chịu nhiều tác động kép khiến việc sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. 

Nói về động thái điều chỉnh tăng lãi suất ở thời điểm này của ngân hàng nhà nước, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích: “Khi lãi suất tăng thì đồng nghĩa với việc là giá của đồng tiền sẽ tăng lên. Nếu không thì tỷ giá của đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ sẽ giãn ra rất là lớn. Nếu chúng ta không tăng lãi suất thì đồng nghĩa với việc, tức là chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình và điều đó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của chúng ta, tỷ giá hối đoái tăng, làm cho lạm phát sẽ tăng lên”. 

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cuộc đua lãi suất huy động hiện nay là chưa có điểm dừng. Về nguyên tắc chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, theo ông thì thông thường dao động ở mức khoảng 3-3,5%, thậm chí có những thời điểm lên đến 4%. Do đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định: Với việc lãi suất huy động tiếp tục tăng thì rất nhiều khả năng là lãi suất cho vay cũng sẽ tiếp tục tăng, cộng thêm với mức khoảng 4% nữa, như vậy thì khả năng về tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới là rất cao. 

Gắn với vấn đề lãi suất, đó chính là việc mà đồng đô la Mỹ xu thế sẽ còn tiếp tục lên giá hay không. Tất cả những điều đó sẽ gây áp lực lên câu chuyện vào việc khả năng kiểm soát lạm phát của Mỹ cũng như là rất nhiều các nền kinh tế phát triển khác và theo đó thì sẽ tác động đến điều hành của chúng ta". 

Vấn đề thứ hai rất quan trọng là chủ quan của chúng ta, đó là các chính sách quan trọng về điều hành kinh tế vĩ mô. Đặc biệt ở đây chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá hối đoái chúng ta cần phải giành lấy thế chủ động trong vấn đề ứng phó với những biến động và áp lực từ bên ngoài. Có như vậy thì chúng ta mới có thể điều hành chính sách để đảm bảo các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” – Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định. 

Theo các doanh nghiệp, diễn biến về lãi suất trên thị trường những ngày gần đây không có lợi cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lo lắng nếu lãi suất tăng cao sẽ kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng, ảnh hưởng đến nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh chưa thoát khỏi khó khăn trong hơn hai năm dịch. Trong khi đó, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao thời gian gần đây do càng khiến doanh nghiệp sản xuất vào những tháng cuối năm sẽ càng khó khăn hơn. 

Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy vi tính Liên Sơn nhìn nhận, việc tỷ giá và lãi suất tăng khiến doanh nghiệp đang chịu tác động kép: “Vì nhập khẩu cho nên tỷ giá lên là giá nguyên liệu đầu vào lên. Đồng thời, lãi suất của ngân hàng cho vay cũng tăng theo, do đó, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng kép. Tác động kép làm cho doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Vì khi nhập khẩu là đương nhiên phải vay tiền đồng, trước đó là lãi suất cho vay đã tăng rồi và sau đó là mua đô la Mỹ của ngân hàng để thanh toán cho LC thì khi mua đô la Mỹ thì tỷ giá đã lên gần 24.900 - lên khủng khiếp lắm.

Cho nên, vấn đề giữa việc chịu tác động về lãi suất cho vay và tỷ giá nên sẽ dẫn tới các vấn đề: Hàng hóa sản xuất ra giá thành rất cao và tăng cao, cũng phải tăng giá ra thị trường, nhưng hiện nay thị trường vẫn chưa chấp nhận vấn đề tăng giá” - Ông Nguyễn Thái Linh chia sẻ. 

Bình luận