Chờ...

Ngành thời trang có thể thiệt hại khoảng 65 tỷ USD vào năm 2030 do thời tiết khắc nghiệt

VOH - Nghiên cứu mới cho thấy, nắng nóng cực độ và lũ lụt có thể giáng đòn mạnh vào ngành thời trang toàn cầu và 4 quốc gia sản xuất hàng may mặc hàng đầu có nguy cơ thiệt hại 65 tỷ USD vào năm 2030.

Nghiên cứu được công bố ngày 13/9 cho thấy, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Campuchia được coi là những quốc gia đặc biệt gặp rủi ro, với thu nhập từ xuất khẩu giảm 22% và ảnh hưởng kinh tế rộng hơn - dự kiến ​​vào cuối thập kỷ này.

mưa lớn
Một người phụ nữ cầm ô đi dọc con phố ngập nước trong trận mưa lớn ở Dhaka, Bangladesh vào tháng 6. - Ảnh: Reuters

Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Lao động Toàn cầu của Schroders và Đại học Cornell, các thương hiệu thời trang có nguồn cung rộng rãi ở các quốc gia trên nên thay đổi giờ làm việc, đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước để ứng phó với sự gián đoạn đã được dự đoán trước.

Bốn quốc gia châu Á được chọn để nghiên cứu vì đây là những ‘cường quốc’ chiếm 18% hàng may mặc xuất khẩu toàn cầu với khoảng 10.000 nhà máy quần áo và giày dép và hơn 10,6 triệu công nhân sản xuất.

Các quốc gia trên cũng dễ bị tổn thương sâu sắc trước cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn bao gồm Dhaka, Phnom Penh, Karachi, Lahore, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang phải đối mặt với nhiệt độ và độ ẩm cực cao. Tất cả những thành phố này cũng có khả năng phải hứng chịu lũ lụt đáng kể.

Nhóm nghiên cứu cho biết, ước tính thiệt hại của ngành may mặc tại các quốc gia trên là 65 tỷ USD vào năm 2030 - dựa trên kịch bản “hoạt động kinh doanh như bình thường” trong bối cảnh nắng nóng và lũ lụt cao, nếu không có biện pháp nào cải thiện.

Theo nghiên cứu, nếu chủ nhà máy chủ động thực hiện các bước để giúp giảm căng thẳng do nhiệt độ cho công nhân, họ có thể tránh được một số thiệt hại.

Kịch bản đầu tiên giả định rằng, stress nhiệt sẽ gây ra những thay đổi đáng kể về năng suất của người lao động. Ví dụ, theo báo cáo, sản lượng có thể giảm khoảng 1,5% khi nhiệt độ tăng thêm 1°C, một thước đo về stress nhiệt.

Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi các doanh nghiệp và cơ quan quản lý bảo vệ người lao động bằng cách coi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe, đồng thời cho phép họ nghỉ phép có lương và quyền ngưng làm việc.

Họ đề xuất rằng, các thương hiệu thời trang cũng nên xem xét việc giúp các nhà cung cấp di dời cơ sở của họ đến các địa điểm có ít rủi ro hơn.

Bình luận