Chờ...

Nguồn vốn dồi dào nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo “chuẩn” vay

(VOH) - “Nguồn vốn của các ngân hàng hiện nay đang dồi dào nhưng không vì thế mà giảm chuẩn cho vay, không hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 16/6.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại họp báo. 

Tín dụng tăng chậm do khách hàng lo ngại dịch nhưng ngành ngân hàng cũng lo. Ngân hàng bắt đầu bị ảnh hưởng đến thu nhập, doanh thu giảm và từ nay đến cuối năm còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, do cầu tín dụng tăng thấp, tính cuối tháng 5 năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 1,96%. Đến nay, tăng trưởng tín dụng là 2,13%. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%, xuất khẩu tăng gần 5%, công nghiệp hỗ trợ tăng gần 2,3%. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%; Cho vay lĩnh vực tiêu dùng cũng giảm...

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 05-2,5%. Thậm chí có Ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm.

Sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 8/6/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 249.000 khách hàng với dư nợ hơn 172.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 400.000 khách hàng với dư nợ hơn 1.200.000 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 978.530 tỷ đồng cho hơn 200.000 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ hơn 3.800 tỷ đồng cho gần 153.000 khách hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế đánh giá: “Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam thì ngành ngân hàng đã chủ động rà soát, xem xét, đánh giá lại dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch. Tháng đầu tiên khoảng 300 ngàn tỷ đồng, tháng giữa lên đến 980 ngàn tỷ, 2 tháng sau lên đến 1,8 triệu đến 2 triệu tỷ đồng khiến tỷ lệ dư nợ khoảng 23% tổng dư nợ bị ảnh hưởng, chưa kể là những dư nợ gián tiếp. Có thể thấy dịch Covid ảnh hưởng rất nặng nề trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đối với các lĩnh vực, trong đó có ngân hàng”.

Về điều hành lãi suất, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Trưởng vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Đối với điều hành tỷ giá, ông Hà cho rằng, dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020 Ngân hàng Nhà nước để cụ thể hóa Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch…

Về định hướng điều hành chính sách tín dụng trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Trưởng vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho hay: “Một là điều hành linh hoạt nhiệm vụ thị trường mở, điều tiết linh hoạt chính sách tín dụng hợp lý để ổn định thị trường. Thứ hai là tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, để cho người sử dụng lao động vay trả lương. Thứ ba là điều hành lãi suất, tỉ giá, cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến của thị trường cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường”.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ Trưởng vụ Chính sách Tiền tệ thông tin về định hướng điều hành chính sách tín dụng.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ Trưởng vụ Chính sách Tiền tệ thông tin về định hướng điều hành chính sách tín dụng.

Trong lĩnh vực thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho hay, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong 4 tháng năm 2020 đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26% về số lượng và gần 16% về giá trị. Thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và gần 46% giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết thêm: “Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Tổng giá trị giao dịch của hệ thống liên ngân hàng tăng 18% so với cùng kỳ. Giao dịch hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng hơn 73% về số lượng và 129% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hai hệ thống này mỗi ngày xử lý khoảng trên 17 tỷ đô la Mỹ quy đổi, rất lớn. Trong khi tỉ lệ giao hàng bằng tiền mặt trên thương mại điện tử của tổng số thương mại điện tử của Việt Nam chỉ 12 tỷ đô la Mỹ/năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam xử lý dịch Covid-19 tốt nhưng các nước đang trong giai đoạn chống dịch, diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài những giải pháp đã triển khai trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng nguồn vốn cung ứng tín dụng cho khách hàng, đặc biệt là sau khi dịch kết thúc, trong trường hợp cần thiết Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấp vốn.

Nhu cầu, những khó khăn của doanh nghiệp, và người dân chính là bị ảnh hưởng dòng tiền thì cần phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông tư 01 để đáp ứng đúng nhu cầu thiết thực. Tín dụng thì nhu cầu không lớn, hiện nay các doanh nghiệp và người dân đủ điều kiện vay vốn thì các ngân hàng thương mại sẽ cho vay”- bà Hồng cho biết.

TPHCM: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 - UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận-huyện tiếp tục phòng ngừa dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận  - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Bình luận