Chờ...

Nguy cơ thiếu lao động sau đại dịch là rất lớn

(VOH) - Tại tọa đàm, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng cũng cho biết lĩnh vực của mình đang thiếu từ 30% đến 60% số lượng lao động.

Chiều 1/10, tại tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TPHCM cho biết, lo sợ thiếu hụt nguồn lao động khi trở lại hoạt động sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

Gần 800 doanh nghiệp trong các KCX-KCN và Khu công nghệ cao TP dù đóng cửa nhiều tháng qua vì bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn có những hình thức giữ chân người lao động như trả lương tối thiểu cho công nhân dù họ nghỉ làm việc.

Tuy nhiên, khi TP nới giãn cách, dù đã có sự chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại nhưng vẫn có hơn 30.000 lao động tại các doanh nghiệp không thể quay trở lại làm việc. Nguyên nhân là hạn chế di chuyển giữa TPHCM và các địa phương lân cận, người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vacxin và sự không an tâm về điều kiện an toàn tại môi trường làm việc. Do đó, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy thị trường lao động thì những hạn chế trên phải được ngành chức năng và doanh nghiệp quan tâm thực hiện triệt để.

Minh chứng rõ hơn về sự thiếu hụt này, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cho biết, về vấn đề khan hiếm lao động, chúng tôi đã gặp khó khăn từ năm 2020 nên rất quan tâm đến việc giữ chân người lao động. Do vậy, từ tháng 6, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ.

Đến tháng 9, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, chúng tôi mong  các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho người lao động đã tiêm vắc-xin mũi một, mũi hai hoặc F0 đã hồi phục được đi làm trở lại.

Nguy cơ thiếu lao động sau đại dịch là rất lớn 1
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Còn ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, thời gian công ty thực hiện cơ chế làm việc 3 tại chỗ, có đến 40% người lao động không muốn vào công ty vì họ sợ rủi ro. Họ chấp nhận nghỉ việc ở nhà để đảm bảo an toàn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp trong lúc này là người lao động sớm quay trở lại làm việc để tiếp tục hoàn thành các đơn hàng trong thời gian tới.

Từ thực tế đó, kinh nghiệm giữ chân người lao động được ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm TPHCM, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) chia sẻ cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp nên thực hiện sự kết nối thường xuyên, liên tục thông tin về tình hình người lao động. Qua đó nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, vấn đề chăm lo về vật chất và tinh thần đối với người lao động là cực kỳ quan trọng. Trong hơn 2,5 tháng thực hiện 3 tại chỗ ban lãnh đạo công ty đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động. Công ty  còn chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn, thêm rau, thêm trái cây để tăng cường sức khoẻ cho người lao động.

Mặt khác, với những lao động không tham gia "3 tại chỗ" đang ở nhà, ở trọ, công ty cũng tiến hành các công việc chăm lo như đi chợ hộ cho người lao động để giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm phòng chống dịch. Chỉ có 20/400 người lao động của công ty bỏ về quê nhưng hiện họ đã mong muốn quay trở lại công ty làm việc nếu được di chuyển thuận tiện. Hiện tại, đa số người lao động của Công ty Thủy hải sản Sài Gòn APT đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Vì vậy, vấn đề thiếu hụt lao động công ty không vướng phải khi trở lại sản xuất bình thường mới.

Tại tọa đàm, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng cũng cho biết lĩnh vực của mình đang thiếu từ 30% đến 60% số lượng lao động. Các doanh nghiệp có thị trường tốt, đơn hàng nhiều tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An - những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất - đều đang như "ngồi trên lửa".

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Dự kiến nhu cầu nhân lực  trong quý IV năm 2021 cần khoảng  56.000 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian. Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm đến 87% tại các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi nhìn nhận, trong nhiều tháng qua, người dân, doanh nghiệp ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 gặp phải. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ.

Thị trường lao động rất ảm đạm.

Từ ngày 22-8 đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị quyết 42 gói 62.000 tỉ đồng; Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng.

Bộ cũng đã  đánh giá rất cao động thái của rất nhiều doanh nghiệp đã chăm lo cho công nhân, trong đó nhiều doanh nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động để giữ chân người lao động. Tổng 4 gói mà Chính phủ đã  hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là khoảng 10,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 2% GDP. Đây là những chính sách rất kịp thời. Ngoài ra hỗ trợ 135 ngàn tấn gạo cho các tỉnh, thành phía Nam.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Bộ LĐ-TB-XH đồng tình rất cao. Theo đó sắp tới phải tiếp tục tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn để thu hút lao động; Cần xây dựng năng lực y tế để mạnh để phục vụ kịp thời điều trị kịp thời các ca F0; Cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động.

Đối với doanh nghiệp, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; Tăng cường đào tạo lại lao động là rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động.

Bình luận