Nhiều vướng mắc liên quan đến thuế và hải quan cần được tháo gỡ 

(VOH) - Sáng 30/11, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính, hải quan năm 2018  do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Đây là lần thứ 2 Hội nghị được tổ chức tại TP HCM cho các doanh nghiệp tỉnh, thành phía Nam kể từ sau lần tổ chức vào năm 2008.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, VCCI và đông đảo doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi đối thoại  giữa đại diện  ngàn Hải quan, Thuế với  doanh nghiệp. Ảnh Mỹ Trang.

Toàn cảnh buổi đối thoại  giữa đại diện  ngàn Hải quan, Thuế với  doanh nghiệp. Ảnh Mỹ Trang.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về việc áp dụng thuế ưu đãi đối với các dự án đầu tư; quy định về việc trích lập dự phòng do lỗ trong đầu tư; quy định về việc xuất hóa đơn đối với quà  cho, tặng, biếu của doanh nghiệp; thuế nhà thầu đối với việc bảo hành thiết bị nhập khẩu khi dịch vụ bảo hành đó thực hiện ở Việt Nam.  

Trong đó, quy đinh thuế ưu đãi đối với các dự án đầu tư được doanh nghiệp nêu có những vướng mắc do liên quan đến hai Luật  Đầu tư và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Theo đại diện công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, công ty có dự án đầu tư mới có liên quan đến hai tỉnh thì khai thuế ở đâu cho phù hợp? Dự án đầu tư của công ty trên giấy phép đầu tư là dự án đầu tư mới được ưu đãi thuế nhưng cơ quan thuế lại cho rằng đây là một dự án đầu tư mở rộng nên không thể áp dụng ưu đãi thuế?

Trả lời  vấn đề này, Thứ trưởng  Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng việc ưu đãi thuế dựa trên hai luật đó là luật Đầu tư và luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, với  hai luật này ở những thời điểm khác nhau các luật có sửa đổi nên còn khoảng cách trong vận dụng luật.

Luật Đầu tư ưu đãi phân theo dự án, còn Luật Thuế thu nhập ưu đãi theo từng pháp nhân. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, khi phân biệt dự án đầu tư mới hay dự án đầu tư mở rộng cần rà soát cụ thể doanh nghiệp có trước hay dự án đầu tư có trước. Ông Tuấn cũng đề nghị Cục Thuế địa phương rà soát lại trường hợp này và có báo cáo về Tổng cục Thuế để xem xét báo cáo Bộ Tài Chính.

Về hàng doanh nghiệp mua để cho, biếu, tặng khách hàng, đối tác… cũng nhằm để phục vụ mục đích kinh doanh cho công ty nên vẫn phải khai hóa đơn nhưng không phải là  thuế chồng thuế.

Về lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp vướng về thuế giá trị gia tăng khi bán phế liệu, phế phẩm trong quá trình sản xuất thủy sản…Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang vướng. Theo ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp, khi thực hiện thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu trên phạm vi cả nước thì giữa các tỉnh, thành, cách thực hiện của ngành chức năng cũng không thống nhất với nhau. Điều này gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong khâu chuẩn bị hồ sơ và các bước thực hiện.

Bên cạnh đó, khi hàng hóa đi qua khu vực giám sát tự động của cơ quan hải quan, dù không còn có công chức hải quan đóng dấu và giảm tải được nhiều thủ tục giấy tờ nhưng thực tế lại nảy sinh những vướng mắc khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện công ty giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Củ Chi cho biết khi thực hiện  chứng từ điện tử có những cái khai nếu hệ thống có trục trặc thì doanh nghiệp không thanh lý được, gây trở ngại cho doanh nghiệp, chi phí mà doanh nghiệp tốn kém là như nhau. Chứng từ điện tử chỉ tiện là nếu rủi doanh nghiệp có mất thì doanh nghiệp tự in tờ khai lại từ file lưu của mình. lỡ có bị sự cố thì doanh nghiệp thiệt hại hơn nữa. Làm sao để dứt điểm được khâu là đã qua khu vực giám sát thì cho tự động. “Đã tự động thì phải tự động hoàn toàn”, bà Thủy nói.

Về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tới đây chính phủ sắp ký ban hành nghị định qui định về việc triển khai thực hiện chứng từ điện tử chung quanh việc khai báo, giao dịch, lưu trữ,…chứng từ điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện chứng từ điện tử.

Một trong những vướng mắc khác được doanh nghiệp quan tâm nhiều tại buổi đối thoại đó là việc truy thu thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất xuất khẩu theo nghị định 134/2016 của Chính phủ. Nếu như trước đây, nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất xuất khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng nếu như hàng hóa thành phẩm xuất ra nước ngoài. Còn nếu hàng hóa thành phẩm xuất trong nước thì phụ truy thu thuế. Điều này theo doanh nghiệp là không thỏa đáng và đề nghị được đối xử công bằng cho 2 loại hình xuất nhập này.

Đại diện Bộ Tài Chính cho rằng, hiện nay Bộ cũng nhận được rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề  này. Cách giải quyết tạm thời thì doanh nghiệp sẽ phải bị truy thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng nếu như hàng hóa xuất trong nước. Sắp tới Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết phù hợp cho loại hình này.

Bà Vũ Thị Mai thừa nhận hiện tại Luật Ngoại thương và Luật thương mại chưa quy định rõ hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ. Vì vậy, qua nhiều cuộc họp thì đây là một trong những vướng mắc. Trong nghị định 134 chưa quy định rõ xuất khẩu tại chỗ có phải là hình thức xuất khẩu và được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu tại chỗ hay không? Không quy định đối với trường hợp hoàn thuế đối với trường hợp nhập khẩu tại chỗ để thực hiện việc sản xuất.

Đại diện ngành Thuế, Hải quan và Bộ Tài Chính đối thoại với doanh nghiệp.

Đại diện ngành Thuế, Hải quan và Bộ Tài Chính đối thoại với doanh nghiệp.

Tại hội nghị, doanh nghiệp cũng phàn nàn về việc thanh kiểm tra của các đoàn thanh tra thuế, đoàn kiểm toán nhiều lần và chồng chéo nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nêu bức xúc,  dù là công ty cổ phần 100% nhưng trong 3 năm liền kiểm toán nhà nước vào kiểm toán liên tục có nội dung trùng với nội dung thanh tra thuế đã làm, có khi cùng một nội dung hai năm, hai đoàn kiểm toán ra kết luận khác nhau!

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, những vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật thuế, thủ tục hành chính về thuế, những nội dung đã rõ thì giải thích cho doanh nghiệp. Những nội dung còn những vướng mắc thì báo cáo cấp thẩm quyền, nếu nội dung đó chưa quy định trong luật thì chúng tôi sẽ bổ sung, sửa đổi”, ông Tuấn nói.

Buổi đối thoại kết thúc với hơn 50 câu hỏi được các doanh nghiệp nêu trực tiếp với ngành hải quan và thuế, tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi chưa được trả lời vì không đủ thời gian. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được các giải đáp thỏa đáng. Với những vẫn đề còn vướng mắc, quá thẩm quyền, đại diện các ngành Hải quan, thuế sẽ  tiếp thu và kiến nghị lên cấp thẩm quyền để sớm có giải pháp giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính./.

Bình luận