Chờ...

Nhu cầu nhập khẩu tăng vọt vào dịp cuối năm, gạo bứt phá về giá

(VOH)- Giá gạo Việt Nam và thế giới tiếp tục tăng khoảng 5 USD/tấn do các nước trong khu vực mở thầu và nhu cầu nhập khẩu tăng cao dịp cuối năm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ, trong khi đó các loại gạo có sự tăng trở lại một tuần nay.

Vua Gạo
Các kho đang chuẩn bị xuất hàng

Giá gạo trong nước và thế giới đồng loạt tăng

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.250 đồng/kg, giá bình quân là 6.389 đồng/kg, giảm 29 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.900 đồng/kg, trung bình là 7.217 đồng/kg, tương đương tuần trước.

Giá gạo 5% tấm cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.329 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.250 đồng/kg, giá bình quân 10.075 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.150 đồng/kg, giá bình quân 9.850 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 tăng 113 đồng/kg, có giá trung bình là 10.638 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua đã tăng tuần thứ ba liên tiếp lên gần mức cao của 16 tháng nhờ nhu cầu mạnh.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 445 - 450 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 và tăng so với mức từ 440 - 445 USD/tấn một tuần trước.

Các nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nhu cầu gạo Việt Nam vẫn tăng mạnh.

Một trong những nguyên nhân là chính phủ Indonesia đã đồng ý về việc khẩn trương nhập khẩu 200.000 tấn gạo trong thời gian còn lại của tháng 12.2022. Đây là một phần trong kế hoạch nhập khẩu đến 500.000 tấn gạo của chính phủ nước này để đảm bảo nguồn cung và dự trữ lương thực nhằm đối phó với lạm phát

Bên cạnh Indonesia, chính phủ Bangladesh cũng mở thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hạn chót nhận hồ sơ chào giá là ngày 21.12.

Có thể thấy, nhu cầu thu mua gạo đang tăng mạnh ở các nước châu Á trong giai đoạn nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu tạo nên nhiều hình thái thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều nước.

Thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, bên cạnh gạo Việt Nam, gạo 5% tấm Thái Lan cũng tăng 5 USD, đạt mức khoảng 445 - 450 USD/tấn.

Cá biệt gạo Pakistan tăng khoảng 15 USD lên mức 457 USD/tấn, nguyên nhân nguồn cung gạo của nước này rất hạn chế. Trong khi đó, cường quốc xuất khẩu gạo số một thế giới là Ấn Độ giá gạo đang ở mức 395 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo tháng 11/2022  thu về trên 3,2 tỷ USD

11 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỷ USD, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2022 cả nước xuất khẩu 587.813 tấn gạo, thu về 289,86 triệu USD, giá trung bình 493 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng và giảm 15% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 3,2% so với tháng 10/2022; so với tháng 11/2021 thì tăng 3,9% về lượng, nhưng giảm 2% kim ngạch và giảm 5,8% về giá.

Trong tháng 11/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm nhẹ 3,8% về lượng và giảm 0,8% kim ngạch so với tháng 10/2022, đạt 258.457 tấn, tương đương 121,93 triệu USD; nhưng tăng 23% về lượng, tăng 14,6% kim ngạch, nhưng giảm 6,9% về giá so với tháng 11/2021.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2022 quay đầu giảm mạnh 61,7% về lượng và giảm 59,2% kim ngạch so với tháng 10/2022, đạt 50.372 tấn, tương đương 25,82 triệu USD; so với tháng 11/2021 cũng giảm 33,6% về lượng, giảm 25,9% kim ngạch.

Tính chung cả 11 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,1%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với 11 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch; giá tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.

https://vuagaovn.com/

Nhu cầu nhập khẩu tăng vọt vào dịp cuối năm, gạo bứt phá về giá 2
Bình luận