Chờ...

'Những cơn gió ngược mạnh' do dịch Covid-19 tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu

(VOH) - Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực chưa từng có tới nhiều mặt của đời sống: y tế, kinh tế, xã hội… trên toàn cầu.

Nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy: đại dịch đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư.

Sự đứt gãy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm chủ yếu về thương mại, FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) vì các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là các "nút sống còn" trong các mạng toàn cầu này. Đây sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc hơn nhiều so với các cuộc đại suy thoái trước đây.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), các nước đang phát triển phải đối mặt với “những cơn gió ngược mạnh” do tác động của đại dịch mang tới:

Thứ nhất, Covid-19 làm gia tăng xu thế chậm lại của tăng trưởng thương mại, GDP và năng suất toàn cầu. Dự báo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho thấy, GDP toàn cầu giảm đi 5,2% trong năm 2020 (mức suy thoái sâu nhất trong tám thập kỷ).

Trong số 14 đợt suy thoái toàn cầu trong vòng 150 năm qua, đợt suy thoái này đứng thứ tư về độ sâu. Thương mại hàng hóa có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm 2020.

Thu nhập bình quân đầu người trong năm nay cũng được dự kiến sẽ giảm đi ở 93% các quốc gia, tỷ lệ lớn nhất trong một thế kỷ rưỡi. 

Du lịch sẽ chịu tác động trực tiếp bởi Covid-19 và có những thay đổi trong thời gian tới.

Thứ hai, các nguồn vốn chủ yếu cho phát triển (FDI, đầu tư gián tiếp và kiều hối) đều sụt giảm nghiêm trọng. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỷ đô la Mỹ so với năm 2019, vượt quá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới 60%.

Các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm đi 21,4% trong năm nay.

Thứ ba, đại dịch làm trầm trọng thêm xu thế của chủ nghĩa bảo hộ hiện hành và kéo theo khuynh hướng thiên về tự lực và tái cân bằng nền kinh tế trong nước của hầu hết quốc gia trên toàn cầu. Thị trường nội địa sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Thứ tư, mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy trước đây. Trước khi dịch bệnh xảy ra, các chuỗi cung ứng quan trọng tập trung quá mức tại các vùng mà sau đó ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhất là Trung Quốc.

Bản đồ chuỗi cung ứng cho thấy 1.000 công ty hay nhà cung ứng lớn nhất thế giới sở hữu hơn 12.000 cơ sở (nhà máy, nhà kho và các hoạt động khác) tại các khu vực phải cách ly do Covid-19, hầu hết ở Trung Quốc. Mức tập trung cao này khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng và do đó dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế trầm trọng.

Thứ năm, tự động hóa giá tăng và việc thế giới rút lui khỏi các chuỗi giá trị toàn cầu có thể khiến chiến lược theo định hướng sử dụng công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu nhằm gia tăng hơn nữa mức tăng năng suất không còn thực sự hiệu quả với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển. 

Bình luận