Chờ...

Phí quá cảnh kênh đào Suez tăng từ tháng 1/2023 có ảnh hưởng tới lạm phát toàn cầu?

(VOH) - Phí quá cảnh qua kênh đào Suez sắp tăng 15% áp dụng với mọi loại tàu và tăng 10% với tàu hàng rời và tàu du lịch. Theo các chuyên gia, điều này sẽ ít nhiều tác động tới lạm phát toàn cầu.

Mới đây, Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) đã thông báo tăng phí quá cảnh lên 15% áp dụng với mọi loại tàu, tăng 10% với tàu hàng rời và tàu du lịch, áp dụng từ tháng 1/2023. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tác động mạnh lên giá cước vận tải, và ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình lạm phát toàn cầu.

Tuyến hàng hải qua kênh đào Suez là một trong ba tuyến chính trong vận tải hàng hóa bằng đường biển, kết nối hàng hóa khu vực Đông Á tới Trung Mỹ và châu Âu; gồm tuyến vận tải biển qua kênh đào Suez, qua Mũi Hảo Vọng và qua kênh đào Panama. Trong đó, lưu lượng tàu thuyền lưu thông quá cảnh qua kênh đào Suez rất lớn dù mức phí qua kênh thường cao hơn so với các tuyến khác, bởi ưu điểm là rút ngắn được thời gian hàng hải trên biển, tiết kiệm chi phí vận tải.

Kênh đào Suez
Kênh đào Suez nối liền Biển Đỏ và Địa Trung Hải, khoảng 10% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới đi qua kênh này (Ảnh: alfa-logistics-family)

Việc tăng phí quá cảnh qua kênh đào Suez dự kiến từ tháng 1/2023, chắc chắn sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giá cước vận tải tăng cao dẫn đến giá cả hàng hóa cũng sẽ tăng và ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân và nền kinh tế toàn cầu.

Xem thêm: Phải niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển

Ông Gilbert Lagat, Giám đốc điều hành của Hội đồng chủ hàng Đông Phi cho biết, việc tăng phí quá cảnh qua kênh đào Suez chủ yếu ảnh hưởng đến các thương nhân Đông Phi. Thương mại của Đông Phi với châu Âu và châu Á chủ yếu dựa vào kênh đào Suez, phí cầu đường tăng cao sẽ làm phức tạo thêm việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong khu vực. Do suy xét về quy mô kinh tế, một số tàu có thể thay đổi lộ trình.

Hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Âu phần lớn được vận chuyển bằng đường biển do lợi thế về cước phỉ vận tải rẻ và độ an toàn cao, khối lượng hàng hóa chuyên chở rất lớn. Các phương thức vận chuyển hàng hóa khác như vận tải hàng không, đường sắt và cả đường bộ khó có thể vận chuyển được những lô hàng lớn. Nên việc chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa khác khó có thể thực hiện được.

ThS Nguyễn Huỳnh Lưu Phương - Phụ trách bộ môn Logistics và Vận tải đa phương thức, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM nhận định, việc tăng phí qua kênh đào Suez chắc chắn sẽ tác động lên giá cước vận tải của các doanh nghiệp vận tải.

Theo ThS Nguyễn Huỳnh Lưu Phương, một phương án thay thế có thể đưa ra đó là đổi tuyến vận tải qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, băng qua Đại Tây Dương rồi thẳng lên trên theo hướng bắc để tới khu vực châu Âu hoặc theo hướng Tây Bắc qua khu vực châu Mỹ. Tuy nhiên, sử dụng các tuyến hàng hải này sẽ kéo dài thời gian vận tải hơn so với tuyến qua kênh đào Suez, dẫn đến chi phí cũng sẽ tăng thêm, chưa kể những bước vận chuyển hàng hóa trong logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo. Do đó, lưu lượng hàng hóa và tàu thuyền quá cảnh qua kênh đào Suez vẫn rất lớn. 

Từ đầu năm 2020 tới nay, ngành vận tải nói riêng và nền kinh tế Thế giới nói chung đã chịu những ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ tác động của dịch bệnh kéo dài, những cuộc chiến giá dầu căng thẳng giữa Nga và Saudi Arabia, và mới nhất hiện nay là chiến sự căng thẳng chưa dứt giữa Nga và Ukraine…

Nguy cơ lạm phát toàn cầu đang tăng cao, việc tăng phí quá cảnh qua kênh đào Suez ít nhiều cũng sẽ làm cho tình hình lạm phát nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp vận tải cũng như các doanh nghiệp logistics trong nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Do đó các doanh nghiệp cần lập kế hoạch và lên các phương án dự phòng về mặt tài chính, lựa chọn phương thức vận tải phù hợp, nghiên cứu các biện pháp tối ưu chi phí... để có thể tối ưu hóa lợi ích cho cả doanh nghiệp logistics trong nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và người tiêu dùng. 

Bình luận