Chờ...

Quý 1/2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng gần 10%

VOH - Ngày 10/4, Triển lãm Quốc tế Ngành Công Nghiệp Dệt và May - Thiết Bị, Nguyên Phụ Liệu và Vải 2024 khai mạc tại Trung Tâm Hội Chợ và Triển Lãm Sài Gòn, sự kiện kéo dài đến hết ngày 13/10.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, quý 1 năm nay, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được gần 10 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2023. Mục tiêu của toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay đặt ra cho các chiến lược phát triển xuất khẩu khoảng 44 tỉ đô la Mỹ.  

Theo ông Giang, Hội chợ SaigonTex, Sài Gòn Fabric lần này là cơ hội giao lưu của các nhà sản xuất, nhà phát triển công nghiệp thời trang, qua đó chia sẻ về những cơ hội và thách thức cho chiến lược phát triển 2024 – 2030 của Dệt may Việt Nam.

Với sự hiện diện của nhiều cường quốc công nghiệp dệt may thế giới tại hội chợ lần này, đây còn là cơ hội tốt trong phát triển liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam với các nước.

trien-lam-det-may
Các đại biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Ngành Công Nghiệp Dệt và May - Thiết Bị, Nguyên Phụ Liệu và Vải 2024 - Ảnh: Lệ Loan

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm nay, quy mô của triển lãm là hơn 30.000 mét vuông, phủ hết 92 hội trường và quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đến tham gia.

Ông Hiếu cho biết thêm điểm nhấn của Triển lãm SaigonTex 2024 là các cụm gian hàng theo quốc gia, cùng các chương trình chia thành bảy chủ đề và rất nhiều sự kiện dành riêng cho khách hàng. Điều này khẳng định sức hấp dẫn, thu hút của ngành dệt may Việt Nam trong tiến trình phát triển cũng như nỗ lực của các đơn vị tổ chức giàu kinh nghiệm có uy tín trên thị trường

“Chúng tôi tin tưởng rằng Triển lãm SaigonTex, Sài Gòn Fabric 2024 lần này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các loại nguyên phụ liệu mới, công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển. Đồng thời, cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt là đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc, xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu”, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

Bình luận