Chờ...

Quy hoạch hạ tầng bài bản, phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP Thủ Đức, thúc đẩy kinh tế TPHCM

(VOH) - Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP cho TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước, là động lực mới để TP.HCM tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tại chương trình trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” sáng 27/2 do Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện, đại diện các sở, ngành đã bàn luận giải pháp phát triển kinh tế thành phố trong đó có đề cập đến các giải pháp quy hoạch cho khu đông thành phố với chủ đề “Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2021”.

quy-hoach-ha-tang-bai-ban-phat-huy-tiem-nang-the-manh-cua-tp-thu-duc-thuc-day-kinh-te-tp-hcm-voh.com.vn-anh1
Hạ tầng giao thông hiện đại tại TP Thủ Đức (quận 2 cũ). Ảnh: SGGP

Theo bà Lương Thu Anh, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch Khu Trung tâm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố, hiện nay, các trụ cột về đổi mới sáng tạo sẵn có của Thành phố Thủ Đức như: Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Khu đại học Quốc Gia. Các khu vực đã có mặt bằng trống, đang đầu tư hạ tầng, sẵn sàng cho đầu tư quy mô lớn.

Về quy hoạch hạ tầng cho Thành phố Thủ Đức, theo bà Lương Thu Anh, để khai thác được lợi thế sẵn có của các khu vực ở đây và định hướng trong tương lai, quy hoạch của Thành phố Thủ Đức cần phải được đầu tư bài bản để phát huy tiềm năng lợi thế cũng như vị trí như kỳ vọng.

Có hai vấn đề lớn sắp tới cần được cải thiện đó là chống ngập và giao thông.

Theo định hướng này thì Khu vực khu đô thị sáng tạo (HIID) có các công trình đầu mối bến bãi, cảng như cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu, cảng ICD Long Bình, bến xe miền Đông mới, các ga thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đóng vai trò là trung tâm vận tải hành khách và hàng hóa cho khu vực Thành phố và các tỉnh lân cận.

Khu vực này có tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành và các tuyến đường trục kết nối liên vùng hiện hữu bao gồm Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Mai Chí Thọ, đường Võ Chí Công, Quốc Lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng nối với Quốc Lộ 1K và nối với Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, đường Vành đai 2 cũng đã được đưa vào khai thác và sẽ được khép kín để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cảng Cát Lái trước năm 2025, nhằm giảm tải cho đường Đồng Văn Cống và Xa lộ Hà Nội.

Đường vành đai 3 đoạn chạy qua khu Đông dọc theo bờ sông Đồng Nai đã được quy hoạch, đây là tuyến đường chiến lược kết nối TPHCM với các tỉnh thành xung quanh, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Về chống ngập và phát triển xanh cho thành phố Thủ Đức.

Bà Lương Thu Anh, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch Khu Trung tâm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đề xuất: “Cần nghiên cứu Quy hoạch hệ thống kiểm soát ngập, xác định các không gian dành cho nước, nâng cao khả năng chống chịu của thành phố Thủ Đức. Duy trì năng lực thiết kế chống ngập trong điều kiện biến đổi khí hậu và lún đất, nâng cao tần suất chống ngập lên 90%. Đến năm 2040, đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức là 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần”.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục kinh tế, thúc đẩy sản xuất, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, năm 2021, Thành phố tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển cho 2 nhóm đối tượng: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ - vừa tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần tập trung tháo gỡ rào cản vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục khơi thông và tạo động lực tăng trưởng mới.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay: “Thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa các thủ tục đăng ký tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM trong đó tập trung các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thời gian tới, Thành phố sẽ có kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố 5 năm (giai đoạn 2021-2025; giai đoạn 2026-2030".

Để phục hồi kinh tế Thành phố nhanh, tại chương trình, bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp mà Ủy ban nhân dân TPHCM đã xác định với tinh thần tiến công, trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của thành phố:

“Trong năm 2021, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân thành phố, sự chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp, chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Bình luận