Chờ...

Sắp có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, lãi vay thấp hơn từ 1,5-2%

(VOH) - Ngân hàng Nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với lãi vay thấp hơn 1,5-2% lãi vay bình quân của các ngân hàng.

Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" ngày 17/2.

Theo bà Hồng, với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc có gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết và sẽ giúp tăng cung về nhà ở xã hội, giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, vì đây là nguồn cung ứng tiền ra dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, nên cần tính toán tổng thể nguồn vốn.

Đọc thêm: Năm 2023: Thị trường bất động sản tiếp tục gặp thách thức

nhà ở xã hội
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ có mức lãi vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi vay bình quân của các ngân hàng.

Bà Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với bốn ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất.

Bà Hồng đề nghị, Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả các dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng.

Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Đặc biệt năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, riêng với bất động sản tăng 24,2%.

Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao, khoảng 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng. Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản.

Bình luận