Chờ...

Sữa học đường - nỗ lực chăm sóc dinh dưỡng vì sự phát triển của trẻ em trên toàn cầu

(VOH) - Hiện nay trên thế giới đã có 68 quốc gia triển khai Sữa học đường (SHĐ) với khoảng 160 triệu trẻ em được hưởng lợi từ việc uống sữa tại trường.

Tại Việt Nam, chương trình cũng đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh mầm non, tiểu học.

Hưởng ứng ngày Sữa học đường thế giới

Từ năm 2000, Tổ chức Nông Lương Thế Giới (FAO) đã phát động Ngày Sữa học đường Thế giới (World School Milk Day) nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc uống sữa tại trường học đối với sự phát triển của trẻ em. Ngày Sữa học đường Thế giới từ khi được phát động đã nhanh chóng trở thành sự kiện thường niên được nhiều Quốc gia hưởng ứng.

Với những hiệu quả thực tế mà chương trình SHĐ đang mang lại, Chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ tại nhiều quốc gia ngày càng nhìn nhận được tầm quan trọng của chương trình này đối với việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho trẻ em. Dữ liệu của Liên đoàn sữa thế giới (IDF) năm 2020 cho thấy có ít nhất 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang được hưởng lợi từ việc uống sữa tại trường học.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh sự kết hợp giữa chất lượng giáo dục, chính sách bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng học đường, cụ thể như sữa học đường, sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên - Bà Caroline Emond, Giám đốc điều hành của IDF (trích Báo cáo về Sự đóng góp của chương trình SHĐ đối với dinh dưỡng trẻ em toàn cầu 2020)

Chương trình Sữa học đường được triển khai tại các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, New Zealand từ rất sớm. 

Chương trình SHĐ đã được 68 quốc gia trên thế giới triển khai, bao gồm các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Đức và đặc biệt phổ biến tại các quốc gia thuộc khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo báo cáo của IDF, Mỹ là quốc gia có số trẻ em thụ hưởng cao nhất là 30 triệu học sinh, tiếp đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Tại tất cả các nước triển khai chương trình đều ghi nhận có sự cải thiện rõ về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc của trẻ em.

Việt Nam và nỗ lực cải thiện dinh dưỡng từ học đường

Tại Việt Nam, năm 2016, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Tính đến nay, đã có 26 tỉnh/thành phố trên cả nước triển khai chương trình SHĐ với hàng triệu trẻ em được hưởng lợi.

Qua một thời gian triển khai chương trình SHĐ, tình trạng thể chất của học sinh tại một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Tại tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi từ 26.9% năm 2013 đã giảm còn 23.6% trong năm 2020, số trẻ em tham gia chương trình ban đầu chỉ khoảng 11 ngàn học sinh nhưng sau 7 năm thực hiện đã tăng lên hơn 211 ngàn học sinh cho thấy sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh đối với chương trình. Còn tại Khánh Hòa, chỉ sau 1 năm học thực hiện tại 2 huyện trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đăng ký cho trẻ tham gia chương trình đã tăng từ gần 21 ngàn em lên hơn 31 ngàn em, tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm rõ rệt từ 28.5% còn 20.06% trong năm 2020.

Sữa học đường đã trở thành một phần trong hoạt động giáo dục tại nhiều địa phương trên cả nước

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết theo kết quả điều tra vi chất dinh dưỡng 2014 – 2015, trẻ em Việt Nam vẫn bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường là một cách an toàn và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Điều này sẽ giúp cho trẻ cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, giúp trẻ cải thiện chiều cao cũng như tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Tại Việt Nam, Vinamilk là doanh nghiệp đã tiên phong và đồng hành cùng một số tỉnh thành thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm học 2007-2008 với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tiếp đó là các địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam... Nhận định về chương trình này, đại diện Vinamilk cho biết xuất phát từ việc nhận thấy tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hàng ngày tại trường có tác động lớn đến tình trạng dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em ở lứa tuổi học đường – lứa tuổi vàng cho sự phát triển, vì vậy, đến nay doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành và tích cực triển khai SHĐ.

Với 14 năm kinh nghiệm cùng năng lực triển khai tại 23 tỉnh/thành phố trên cả nước hiện nay, Vinamilk nhận định một trong những yếu tố quyết định việc thực hiện chương trình một cách an toàn, hiệu quả chính là sự đồng lòng và tâm huyết của đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục cơ sở. Không chỉ trực tiếp chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh, họ còn là cầu nối đến với phụ huynh để gia đình và nhà trường cùng phối hợp chặt chẽ

Nhờ sự phối hợp tốt trong công tác tổ chức, tỷ lệ tham gia chương trình của nhiều địa phương đạt ở mức cao, cụ thể như TP. Hà Nội do Vinamilk đồng hành triển khai từ 2018 đến nay đã có hơn 1 triệu học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đạt tỷ lệ hơn 91%, Bình Định đạt 97% với 46.000 trẻ mầm non được uống sữa, Bà Rịa – Vũng Tàu là 100% và tỉnh Bắc Ninh là 99,3%.

    Sữa học đường tại Việt Nam được triển khai hiệu quả một phần lớn là nhờ sự tham gia tích cực của các cán bộ giáo dục và đội ngũ giáo viên

Góp phần tăng cường dinh dưỡng cho học sinh trong đại dịch

Trong năm 2020, các biến động do đại dịch toàn cầu Covid-19 và kinh tế sụt giảm đã tác động trực tiếp đến đối tượng trẻ em. Theo một báo cáo mới đây của Unicef, hơn 350 triệu học sinh ở các quốc gia đóng cửa trường học do Covid-19 có thể không được tiếp cận với các chương trình thực phẩm và dinh dưỡng trường học.

Tại Việt Nam, theo Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐTBXH), ước tính đến cuối năm nay, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Thu nhập bị ảnh hưởng, phụ huynh học sinh khó khăn hơn để xoay xở lo đủ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, bảo đảm cho con em mình được phát triển khỏe mạnh cả về trí não lẫn cơ thể.

Chương trình Sữa học đường đã góp phần tiết kiệm chi phí cho các phụ huynh trong việc bổ sung dinh dưỡng cho con, đặc biệt đối với các vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn

Nhờ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ chi phí uống sữa, phụ huynh học sinh chỉ phải đóng góp một phần, chương trình SHĐ của Việt Nam đã giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình trong khi vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn từ sữa cho trẻ em. Tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai… kinh phí uống sữa do địa phương và Vinamilk, công ty triển khai và cung cấp sữa, tài trợ hoàn toàn, phụ huynh không phải đóng góp bất cứ khoản tiền nào để con em được uống sữa thường xuyên.

Phát biểu về thông điệp của Việt Nam hưởng ứng Ngày Sữa học đường Thế giới, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết: “Đây là chương trình thiết yếu đối với sự phát triển về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh mầm non và tiểu học. Tôi mong rằng dưới sự chỉ đạo của nhà nước, sự chung tay và quyết tâm của các đơn vị trong xã hội, tất cả các học sinh, trẻ em trên đất nước Việt Nam sẽ được thụ hưởng sữa trong trường học để tạo tiền đề cho sự phát triển thể chất và trí lực mai sau, giúp các em vươn cao sánh ngang với bạn bè quốc tế.”

Xem thêm: 

Bình luận