Chờ...

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 7.5% của năm 2023

VOH - TPHCM đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, từng bước tăng trưởng. Đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 7,5% là một thách thức lớn khi đang bước vào quý 4..

Thua đậm “trận đầu”

Theo thông lệ, sau tết Nguyên đán là thời điểm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tưng bừng khai trương khởi đầu cho một năm mới nhiều thắng lợi. Thế nhưng, đầu năm 2023, tại các cung đường mua bán sầm uất như: Quang Trung (Gò Vấp) Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)… hoạt động kinh doanh không ồn ào náo nhiệt như thường lệ.

Hàng loạt mặt bằng đóng cửa hay treo bảng cho thuê, có khách sạn nổi tiếng một thời cũng phải đóng cửa, mặt bằng bỏ trống. Nhiều chủ cửa hàng cho hay, giá mặt bằng quá cao, trong khi tình hình kinh tế không khả quan, người dân bắt đầu thận trọng trong chi tiêu.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, TPHCM có hơn 20.000 doanh nghiệp rời thị trường. Không chỉ các cơ sở dịch vụ, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn phải thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu năm, phần đông các tổ chức quốc tế đồng loạt điều chỉnh giảm mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022. TPHCM cũng thận trọng khi dự báo và đưa ra các mục tiêu kinh tế trong năm.

Theo các chuyên gia, giải ngân đầu tư công, giải quyết vướng mắc để hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa là 3 trụ cột thúc đẩy kinh tế đi lên. Tuy nhiên, động lực này chưa được khai thác hiệu quả nhất. 

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 1
Ảnh minh họa - Toàn Thắng

Tại các hội nghị về bất động sản gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, lãi suất vay ngân hàng cao, hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng không mấy ấn tượng. Hai quý đầu năm 2023 thị trường bất động sản gần như "đứng bóng".

Theo báo cáo của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA, phân khúc đất nền trong quý 1/2023 tại thị trường TPHCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Hàng loạt doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu vốn, phải giãn tiến độ thi công cũng như tạm dừng triển khai dự án. Người tiêu dùng cũng gặp khó khi vay tiền mua nhà.

Anh Cao Việt Anh, một người vay vốn cho biết: "Với người mua nhà có nhu cầu vay tín dụng ngân hàng. Nên phải tham khảo trước, nếu ngân hàng xác nhận, mình mới chọn mua, chứ nếu không có room thì rất khó vay và sẽ không mua được".

Đến hết quý I, tổng số vốn giải ngân đầu tư công của TPHCM là hơn 1.600 tỉ đồng, mới chỉ đạt 4% so với kế hoạch được giao. Trong đó có nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.

Tại cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng trong quý I, TPHCM chưa sử dụng hiệu quả công cụ này để kích thích kinh tế, quý 1, kinh tế chỉ tăng trưởng 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước, đây là điều chưa có tiền lệ.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "TPHCM cũng là bên chịu ảnh hưởng khi kinh tế đi vào giai đoạn trầm lắng, quý 1 tăng trường rất thấp. Kinh tế TPHCM cần có sự vươn lên nhiều hơn, cần một sự thúc đẩy, cần một động lực để trở lại vị trí là khu vực kinh tế đầu tàu cả nước".

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 - Bài 1: Thua đậm “trận đầu” 2
Biểu đồ mức tăng GDP cả nước và 5 thành phố trực thuộc Trung ương quý 1/2023 - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vào thời điểm kết thúc quý I, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết tháo gỡ vướng mắc các dự án, để thu hút dòng vốn, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế mới cho thành phố; để thúc giải ngân đầu tư công, lãnh đạo TP sẽ thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các công trình, dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Ông Mãi khẳng định: “Ban Thường vụ Thành ủy - kể cả Bí thư Thành ủy - sẽ trực tiếp giám sát việc giải ngân đầu tư công những dự án trọng điểm. Mục tiêu là làm sao năm 2023 phần giải ngân dự án phải đạt được ít nhất 95%”. 

Trong phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, có thể coi 4 quý trong năm như 4 trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, Thành phố đã thua đậm ở trận đầu, thì 3 trận còn lại đều phải coi như những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất.

Thắng trận liên tiếp

Sau các hội nghị tìm giải pháp với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, các Sở ngành đã triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, khơi thông dòng tiền giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc sản xuất kinh doanh.

Ngành Thuế thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể. Thành lập trang thông tin điện tử cung cấp nội dung, tài liệu hướng dẫn về các quy trình, thủ tục thuế, thủ tục hành chính về thuế, gia hạn về thuế.

Theo Cục thuế TPHCM ước tính, số gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trên địa bàn khoảng 15.700 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng khoảng 8.000 tỷ, thu nhập doanh nghiệp khoảng 7.000 tỷ. 

Thành phố đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Từ mức tăng trưởng chưa đến 1% của quý I, quý II đã đảo chiều khởi sắc, tăng trưởng đạt 5,87%, gấp 8 lần quý I, đóng góp vào sự khởi sắc này là nỗ lực xoay chuyển tình thế của doanh nghiệp.

Giám đốc một doanh nghiệp cơ khí cho biết, có khoảng 70% doanh số xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản với sản phẩm chính là máy móc tự động hóa, nhờ lựa chọn mô hình kinh doanh chủ động từ thiết kế, tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Chủ doanh nghiệp này cho biết: “Phía trước còn rất nhiều khó khăn do tình hình thế giới vẫn chưa ổn định nhưng đơn hàng đã có những tín hiệu tốt, khách hàng đã bắt đầu tìm hiểu và đang xuống đơn hàng”.  

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xuân Nguyên cho rằng: "Quý cuối theo tôi đánh giá thì tốt hơn 3 quý đầu. Chúng tôi tập trung đảm bảo nguyên liệu, máy móc thiết bị; nhân sự cũng đang giữ, không cắt giảm, cố gắng duy trì để nếu kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng gấp đôi gấp ba thì vẫn đáp ứng được".

Nhìn chung từ quý 2 trở đi, các ngành, lĩnh vực trọng yếu của đầu tàu kinh tế đất nước đều có chuyển biến khá rõ nét. Sau nhiều hội nghị huy động các chuyên gia, lãnh đạo Sở ngành nhằm tìm giải pháp kích thích mua sắm, đẩy nhanh tiến độ các dự án, 2 trụ cột quan trọng đều có gam màu sáng hơn, đó là tiêu dùng và đầu tư công.

Với TPHCM, ngành du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh các sản phẩm đã có thương hiệu, ngành du lịch tăng cường xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch-dịch vụ như du lịch đêm, du lịch sông nước, du lịch sinh thái với các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc sắc. Qua đó thu hút du khách, tăng doanh thu cho nền kinh tế.

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 3
Đại diện doanh nghiệp tham gia góp ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đường thủy ở TPHCM - Ảnh: Lê Bằng

Ngành du lịch TPHCM ghi nhận doanh thu ấn tượng. Lũy kế 8 tháng năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 106.000 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022, góp phần kích thích mua sắm, tăng lưu thông tiền tệ cho nền kinh tế.

Ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã đạt được khoảng 80% kế hoạch năm. Nghị quyết 98 nhấn mạnh tới sự phát triển các ngành liên quan về giao thông vận tải, hạ tầng, văn hóa... là những tiết chế giúp ngành du lịch phát triển".

Trong thu hút đầu tư, 8 tháng qua, thành phố thu hút vốn đầu tư được khoảng 1,96 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, có 194 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước, thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm khoảng 582 triệu đô la Mỹ.

Thành phố cũng chấp thuận cho 1.520 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với giá trị hơn 996 triệu đô la Mỹ.

Tất cả tạo thành bàn đạp quan trọng để TPHCM tiến tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Qua 3 quý, nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu tăng 4,92%; sản xuất công nghiệp từng bước ổn định.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ là thể chế quan trọng để tháo gỡ khó khăn không chỉ trong ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho thành phố. Nỗ lực xoay chuyển tình thế của doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của thành phố cùng với cơ chế mới là lực kéo kinh tế tăng trưởng trở lại.

Quyết thắng trận cuối

Trước những khó khăn thách thức về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TPHCM trong năm nay, vấn đề đặt ra lúc này là phải thúc cho đồng tiền chạy vào nền kinh tế, tạo ra giá trị mới, trong đó, đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn như hiện nay.

Dù trong quý II/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đã có nhiều khởi sắc, tuy tỷ lệ còn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Đến hết tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM đạt 29%.

TPHCM xác định sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, kết hợp với việc rà soát lại toàn bộ nguồn lực tiềm năng trong huy động nguồn vốn cho đầu tư công.

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố phải tập trung tăng tốc triển khai Nghị quyết 98 và đẩy nhanh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Nghị quyết 98 tạo đà cho thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn ở nhiều lĩnh vực, tác động đến đầu tư công, môi trường đầu tư, thu hút vốn, đất đai, tài chính…

Cũng theo phân tích từ ông Bình An, "Còn một điểm nghẽn nữa, đó là con người. Làm sao có cơ chế để bảo vệ thực sự cho cán bộ. TPHCM không chỉ các doanh nghiệp mà kể cả công chức-viên chức cũng rất năng động. Chính những tháo gỡ từ Nghị quyết 98 tạo khuôn khổ để cán bộ tự chịu trách nhiệm, cũng như được bảo vệ".

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 4
Nghị quyết mới sẽ giúp khai thác, phát huy các tiềm năng thế mạnh của TPHCM - Ảnh: Hà Lan

Về đầu tư, theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, con số giải ngân đầu tư công thấp là do một số nguyên nhân đặc thù chứ không phải là thành phố “bỏ rơi” công cụ đầu tư công.

Sắp tới, một loạt cây cầu “đắp chiếu” nhiều năm như Cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Bà Hom, cầu Tân Kỳ-Tân Quý… sẽ thi công trở lại sau khi được địa phương bàn giao mặt bằng.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức tiếp tục triển khai các giải pháp, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND TPHCM. 

TP. Thủ Đức sẽ tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt đối với các cái dự án đầu tư công lớn, mang tính trọng điểm như đường Vành đai 3, dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, xây dựng cầu Nam Lý, cầu Hoàng Hữu Nam. 

Ông Phụng cho biết thêm: "TP Thủ Đức đã hỗ trợ tổ chức ký kết ngân hàng – doanh nghiệp, có 26 doanh nghiệp được giải quyết nhu cầu về vốn với tổng số tiền 3.784 tỷ đồng."

Trong những tháng còn lại của năm 2023, TPHCM cần giải ngân khoảng 45.000 tỷ đồng đầu tư công để đạt mục tiêu đề ra. Con số này gần bằng giá trị giải ngân của 2 năm 2021 và 2022 cộng lại, đây là một áp lực rất lớn, khi mà lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ kiên trì mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân đến cuối năm là 95%.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, với thủ tục như hiện nay thì giải ngân đầu tư công chỉ tăng từ từ, thủ tục đầu tư không nhanh được thì rất khó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo: "Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban cần sát sao hơn để rút ngắn thời gian hoàn thành các hồ sơ liên quan giải phóng mặt bằng chỉ trong 1 tuần".

Cũng theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của Tổ công tác đầu tư trong việc phối hợp các Sở, ban, ngành giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; đề xuất các giải pháp thực hiện đa dạng trong hợp tác công tư, có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản, đầu tư hạ tầng thành phố.

TPHCM nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 5
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiểm tra tiến độ một công trình trọng điểm của TPHCM - Ảnh: Mỹ Trang

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, cần rất nhiều giải pháp về tài chính, tiêu dùng, thu nhập, việc làm… nhưng đầu tư công có vai trò rất quan trọng, không chỉ là mục tiêu cho năm 2023 mà còn là vấn đề lâu dài trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng được giao, nhưng đây là tình trạng chung của cả nước chứ không chỉ TPHCM. Nhưng là đơn vị kinh tế đầu tàu của cả nước thì vấn đề tăng trưởng của TP lại càng khó khăn hơn".

TPHCM đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, nhanh chóng đưa Nghị quyết 98 vận hành, ưu tiên các dự án cho vay kích cầu; dự án hạ tầng giao thông…, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% vẫn là thách thức lớn khi năm 2023 chỉ còn vỏn vẹn 3 tháng.

Bình luận