Chờ...

Triển khai phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi và bệnh lở mồm long móng

(VOH) - Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra hơn 1.400 ổ dịch tả heo châu Phi tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố.

Ngày 19/11 tại TPHCM diễn ra hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020-2025 và chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025”. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Ủy Ban nhân dân, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh, thành trên cả nước, các giáo sư, tiến sĩ đến từ các tổ chức quốc tế. 

Tổng số heo phải tiêu hủy là khoảng 77.000 con. Về tình hình bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện 182 ổ dịch tại 24 tỉnh, thành phố. Đến nay, mặc dù cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên dự báo việc tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới rất cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: "Nguy cơ dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào, chính vì vậy Chính phủ cũng rất quan tâm để có kế hoạch quốc gia về cúm gia cầm, kế hoạch quốc gia về bệnh heo tai xanh. Đợt này chúng ta triển khai 2 kế hoạch, dịch tả heo châu Phi 2020-2025 và bệnh lở mồm long móng 2021-2025. Trong kế hoạch, đã quán triệt từ mục tiêu chung đến mục tiêu cụ thể, giải pháp tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các Bộ ngành trung ương, trách nhiệm của các địa phương".

Ảnh minh họa: VOH

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm năm 2020 gồm dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh, bệnh dại. Đặc biệt lưu ý các tỉnh, thành từ tháng 10/2020, Việt Nam đã xuất hiện dịch bệnh mới đó là viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đây là một bệnh do vi-rút gây ra và lây từ nước ngoài vào Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là khá cao:

"Bệnh viêm da nổi cục bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ đầu tháng 10 và đến thời điểm hiện nay dịch bệnh đã xảy ra ở 39 xã, 17 huyện của 5 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh. Một đặc điểm rất quan trọng bệnh do vi rút gây ra nhưng không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Cho nên trong việc xử lý chúng ta cần phải lưu ý việc này. Chúng tôi nhận định trong thời gian tới bệnh viêm da nổi cục sẽ tiếp tục lây lan nhanh ở nhiều địa phương, nguy cơ có thể là phát tán rộng vì đây là bệnh do các vec tơ truyền bệnh, đặc biệt là ruồi, muỗi, ve, mồng có thể bay xa, bay nhanh".

Hiện nay, một số dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Thú y cần tiếp tục rà soát, đánh giá và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt về chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch.

Tiến sĩ Phan Quang Minh - Trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y nêu một số giải pháp trong thời gian tới: "Do chưa có vắc-xin nên giải pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng được xem là giải pháp quan trọng bậc nhất trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng cơ sở, vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh, xây dựng những trại chăn nuôi quy mô lớn đảm bảo được an toàn dịch bệnh, tiếp tục tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm không chỉ là để xét nghiệm bệnh mà còn là đảm bảo điều kiện nuôi động vật sạch để thực hiện các nghiên cứu sản xuất vắc xin".

Bình luận