Chờ...

Từ 1/8/2024: cách tính tiền sử dụng đất khung giá mới

VOH - Bảng giá đất tại TPHCM sau ngày 1/8 tăng từ 10-30 lần so với bảng giá đất hiện tại. Khung Giá đất cũ cao nhất 162 triệu đồng/m²,  khung giá mới dự kiến cao nhất 810 triệu đồng/m².

Luật Đất đai cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh bảng giá đất sau ngày 1/8/2024 trong trường hợp cần thiết.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã trình UBND TP dự thảo bảng giá đất để áp dụng sau ngày 1/8/2024 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực). 

Giá đất mới tăng 10-30 lần, thậm chí có nơi tăng đến 50 lần so với bảng giá đất hiện tại, giá đất ở cao nhất 810 triệu đồng/m2. 

Tuy vậy theo Sở Tài nguyên và Môi trường, giá đất mà sở trình UBND TP bằng khoảng 70% giá thị trường hiện tại.

Giá đất đường Lê Lợi dự kiến tăng từ 162 triệu đồng m² thành 810 triệu đồng m² Ảnh TTO
Giá đất đường Lê Lợi dự kiến tăng từ 162 triệu đồng/m² thành 810 triệu đồng/m² - Ảnh: TTO

Tại TPHCM, bảng giá đất đang áp dụng theo quyết định 02 năm 2020 của UBND TP xây dựng theo Luật Đất đai năm 2013, bị hạn chế bởi khung giá đất chung của Nhà nước, giá đất ở cao nhất tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Đồng Khởi là 162 triệu đồng/m2.

Thực tế, nhiều nhà ở mặt tiền đường Lê Lợi, Đồng Khởi rao bán với giá 1,2 - 1,8 tỉ đồng/m2, cá biệt có nhà ở đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành rao giá 2,4 tỉ đồng/m2. 

"Các môi giới cho biết giá giao dịch thành thấp hơn 5 - 10% so với giá rao bán. Điều này cho thấy bảng giá đất hiện hành quá thấp so với giá thị trường", một chuyên viên của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM nhận định.

Nhiều năm qua, UBND TP ban hành hệ số sử dụng đất hằng năm làm cơ sở để tính tiền sử dụng đất cho những trường hợp chuyển mục đích đất ngoài hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân và trường hợp giao đất có giá trị dưới 30 tỉ đồng cho tổ chức. 

Trên thực tế người dân phải đóng tiền sử dụng đất gấp 2,5 lần bảng giá đất (hệ số điều chỉnh bằng 2,5) cho diện tích đất ngoài hạn mức đất ở khi được công nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích. 

Đóng tiền sử dụng đất 20-70% cho đất ngoài hạn mức, tùy thời điểm bắt đầu sử dụng

Theo dự thảo nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính trình Chính phủ thì toàn bộ đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 (thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực) có các giấy tờ hợp lệ đều được cấp giấy chứng nhận và không đóng tiền sử dụng đất.

Nếu đất sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 mà người sử dụng đất không có các loại giấy tờ hợp lệ sẽ được cấp giấy chứng nhận không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong hạn mức, phần đất ngoài hạn mức đóng tiền sử dụng đất bằng 40% bảng giá đất ở.

Nếu thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng thì hạn mức đất ở được tính là tổng hạn mức của các hộ gia đình.

Tương tự với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định không có giấy tờ hợp lệ thì phải đóng tiền sử dụng đất từ 20-40% bảng giá quy định cho phần đất trong hạn mức

Nếu người dân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà có các loại giấy tờ hợp lệ thì sẽ được cấp giấy chứng nhận 100% diện tích đất mà không phải đóng tiền sử dụng đất. Đối với đất không có các loại giấy tờ hợp lệ thì phần đất trong hạn mức không đóng tiền sử dụng đất.

Với phần đất ngoài hạn mức, theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì đóng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể của từng lô đất (gấp 2,5 lần bảng giá đất quy định).

Người dân sử dụng đất ổn định từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004, không có các giấy tờ hợp lệ thì theo quy định hiện hành, phần đất trong hạn mức phải đóng 50% tiền sử dụng đất theo bảng giá đất Nhà nước ban hành

Phần đất ngoài hạn mức phải đóng 100% tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể (gấp 2,5 lần bảng giá đất ban hành).

Còn theo quy định mới, đất không có các giấy tờ hợp lệ thì phần diện tích trong hạn mức phải đóng 20% tiền sử dụng đất, diện tích ngoài hạn mức đóng 50% tiền sừ dụng đất.

Mục đích sử dụng của Bảng giá đất
1. Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.

2. Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
3. Tính thuế sử dụng đất.
4. Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
5. Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
6. Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
7. Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai.
8. Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân.
9. Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
10. Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
11. Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.
Bình luận