Chờ...

Tuần qua: Vàng ít biến động, đầu tư chứng khoán thận trọng

(VOH) - Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa trải qua tuần giao dịch ít biến động.

Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn kim loại quý có khả năng biến động thất thường, nhưng sẽ khó bứt phá cao hơn.

Ở những phiên đầu tuần, giá vàng trong nước ổn định trên mốc 55 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới "bình lặng" trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0% và mua trái phiếu số lượng lớn nhằm tiếp tục hỗ trợ tiến trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều này khiến giá vàng thế giới không có nhiều biến động. Giá vàng trong nước theo đó cũng giữ ổn định quanh mốc 55,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới được điều chỉnh giảm 0,6% trong cả tuần. Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 50 ngàn đồng/lượng.

tuan-qua-vang-it-bien-dong-dau-tu-chung-khoan-than-trong-voh.com.vn-anh1
Thị trường vàng trong nước và thế giới vừa trải qua tuần giao dịch ít biến động. Ảnh minh họa: internet

Nhà phân tích cho biết, các yếu tố như đồng đồng đô la Mỹ, lạm phát và các dấu hiệu phục hồi khác của nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn chi phối thị trường vàng trong tháng 5/2021. Trong tháng 5, vàng dự kiến sẽ dịch chuyển trong phạm vi từ 1.700 - 1.800 đô la Mỹ/ounce với sự thiếu hụt nhu cầu trú ẩn an toàn ngay cả khi căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu. Giới chuyên gia cũng cảnh báo giữa lúc các yếu tố xung đột đang tác động mạnh tới thị tường kim loại quý, vài tuần tới có thể xuất hiện nhiều bất ổn khó lường. Trong ngắn hạn, vàng có khả năng vẫn biến động thất thường cho đến khi một chất xúc tác mang tính định hướng mới xuất hiện.

Thị trường dầu ghi nhận đà tăng giá trong cả tuần qua và khép lại tháng Tư với kết quả tích cực. Ngay từ đầu tuần này, diễn biến dịch COVID-19 căng thẳng tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới - đã dấy lên những quan ngại về triển vọng tiêu thụ dầu của nước này. Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên đầu tuần khi Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thừa nhận nhu cầu dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi trong phiên giao dịch liền sau đó khi OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định không thay đổi kế hoạch tăng dần sản lượng dầu thô, đồng thời nhận định nhu cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm nay. Một cuộc khảo sát mới đây, dự báo rằng, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 64,17 đô la Mỹ/thùng vào năm 2021, tăng so với mức tương ứng của tháng trước là 63,12 đô la Mỹ/thùng và mức trung bình 62,30 đô la Mỹ /thùng kể từ đầu năm tới nay.

Tại thị trường chứng khoán, VN-Index đã không thể giữ vững đà tăng trong tuần qua. Bên cạnh đó, khối lượng vẫn đang trong quá trình sụt giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trong ngắn hạn. Điểm đáng lạc quan là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng gần 539 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tính đến 31/3/2021, các công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng - một mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô.

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Giám đốc Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Tân Việt nhận định: “Tôi nghĩ rằng, nhu cầu magin cao hơn rất nhiều so với các năm trước, đến từ yếu tố thị trường của chúng ta lớn hơn, thứ hai, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán hiện tại cũng lớn hơn… Rõ ràng cho vay margin bằng 2 lần chủ sở hữu chắc chắn sẽ tác động đến lực cầu trong giai đoạn chung trong một vài tháng tới”.

Bình luận