Chờ...

Vì sao doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số?

(VOH) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam (SME) quan tâm đến chuyển đổi số nhưng chỉ có 40% thực hiện số hóa và 10% thành công.

Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngày 29/3, Hội này đã hợp tác với công ty Real-Time Analytics (RTA) để hỗ trợ các DN thành viên ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh. VOH đã có phỏng vấn doanh nhân Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc  công ty RTA.

Vì sao Doanh nghiệp gặp thất bại khi thực hiện chuyển đổi số? 1
Ông Lê Đặng Trung (áo thun đen) và những chuyên gia hỗ trợ DN thực hiện Chuẩn hoá -  Số hoá - Thông tin thị trường của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao. 

*VOH: Thưa ông, những nguyên nhân nào khiến DN gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số?

Ông Lê Đặng Trung: Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố con người là nguyên nhân hàng đầu. Trong DN, nếu hỏi người nhân viên muốn làm số hóa hay không thì có đến nhiều người sẽ bảo không. Bởi vì, bản thân họ cảm thấy đang làm công việc rất ổn định nên không muốn học hỏi công cụ mới. Người lãnh đạo thì nhìn thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số vì tương lai dữ liệu của công ty là tài nguyên. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng chỉ đạo là chính và sau đó giao quyền cho bộ phận khác triển khai. Kết quả là thất bại. Vì người trực tiếp làm không có quyền để chi phối hay áp đặt mạnh mẽ lên đội ngũ thực hiện bền bỉ. Cho nên, họ sẽ gặp thất bại bởi sự thiếu hợp tác của êkíp và quay lại báo cáo lên lãnh đạo là không thành công. 

*VOH: Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao vừa có sự phối hợp với công ty của ông để giúp DN của hội chuyển đổi số thành công. Vậy ông có kế hoạch gì để giúp họ?

Ông Lê Đặng Trung: Những năm trước, Hội DN hàng VNCLC đã nhìn ra vai trò của chuyển đổi số trong quản trị DN. Tuy nhiên, trước đây chỉ có đào tạo và tư vấn cho DN về vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Khi DN muốn ứng dụng thì không có nền tảng công nghệ nào để ứng dụng. Cho nên, trong năm nay, ngoài tư vấn ra, chúng tôi còn đồng hành và có công cụ để giúp DN ứng dụng vào thực tế, dựa trên nền tảng hiện có của DN. DN không cần đầu tư máy móc, con người, mà sử dụng ngay hạ tầng hiện có (laptop, smartphone) và thời gian chuẩn bị để triển khai thực hiện số hóa là rất nhanh, chỉ mất khoảng 2h.

*VOH: Một số DN quan tâm chuyển đổi số, họ đầu tư cả mã vạch QR code để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, đã có tình trạng khi quét mã QR code hàng nông sản lại không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm mà đưa đến website của công ty. Ông đánh giá sao về những trường hợp này?

Ông Lê Đặng Trung: Đây là trường hợp truy xuất thương hiệu, chứ không phải truy xuất nguồn gốc, trong đó có lỗi 1 phần của người làm truy xuất nguồn gốc. Vì thế, DN đã bỏ qua cơ hội để xây dựng thương hiệu cũng như niềm tin vào người tiêu dùng dành cho họ. Trường hợp này còn rất nguy hiểm khi xây dựng thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng giả. Bởi vì QR code này sẽ không thay đổi. Nếu DN xây dựng thương hiệu thành công thì nguy cơ bị người làm hàng giả in QR code hàng loạt và có thể chiếm trọn lợi ích thương hiệu của DN.

Đây cũng là sự khác biệt trong cách làm của chúng tôi với DN. Khi chúng tôi làm QR code cho DN, mỗi sản phẩm có 1 mã riêng, không trùng với mã sản phẩm khác. Khi người tiêu dùng quét mã sẽ ra toàn bộ hành trình làm ra nó. Nếu chúng ta làm được truy xuất nguồn gốc thực phẩm chuẩn xác, tôi tin người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn.

*VOH: Như vậy, có cần thiết phải làm truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm dành cho người tiêu dùng không, thay vào đó chỉ cần cho nhà phân phối hàng hóa kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, tránh được tình trạng mua bán mã QR code?

Ông Lê Đặng Trung: Thị trường sẽ tự điều chỉnh vấn đề này. Hiện nay, theo tôi biết, đã có 1 số DN mong muốn làm đúng quy trình truy xuất nguồn gốc. Họ đã tìm kiếm phương thức, nền tảng công nghệ để làm đúng. Tôi tin chỉ 1-2 năm nữa thôi sẽ có thế hệ mới của mã QR code dẫn tới từng sản phẩm có mã riêng, có hành trình làm ra sản phẩm đúng nghĩa.

*VOH: Xin cảm ơn ông

Bình luận