Chờ...

Việt Nam - EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do: Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác hiệu quả?

(VOH) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, những thỏa thuận này sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm nay và những năm tiếp theo. Ngoài ra, việc thực thi hiệp định này cũng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này. Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, những thỏa thuận này sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.  

Tuy nhiên, mặc dù các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do có lợi cho Việt Nam, nhưng nếu không biết cách tận dụng thì các doanh nghiệp vẫn không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.

Xung quanh nội dung này, VOH có phỏng vấn bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Việt Nam, Bộ Công thương.

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Việt Nam, Bộ Công thương. Ảnh: TCCT 

VOH: Thưa bà, Việt Nam là nước thứ hai ký EVFTA với EU, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Bà Phạm Quỳnh Mai: Trước hết tôi cũng xin giới thiệu sơ qua về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam gia nhập ASEA vào năm 1995, sau đó chúng ta tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN, kể từ đó đến nay chúng ta tham gia đàm phán ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA đối với các đối tác quan trọng của VN. Tính đến nay chúng ta đã đàm phán ký kết thành công 13 Hiệp định thương mại tự do. Trong đó có 12 hiệp định đã có hiệu lực. Trong đó, có 2 hiệp định mà chúng ta gọi là FTA thế hệ mới đó là CPTPP và EVFTA vừa được ký kết 30/6 vừa qua. Tại sao chúng ta gọi là Hiệp định tự do thế hệ mới, thì ngoài cam kết lĩnh vực truyền thống, thương mại hàng hóa, dịch vụ đầu tư chúng ta còn mở ra cam kết khác tiêu chuẩn rất cao như phi truyền thống, phát triển bền vững, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh. Việc chúng ta ký được với EU, EU là đối tác thương mại, xuất nhập khẩu hàng đầu trên thế giới, nhà đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất trên thế giới. Việc EU chọn VN để ký kết chứng tỏ EU đánh giá cao VN, quan sát VN từ rất lâu, tiến trình hội nhập nhất quán của VN, chúng ta tham gia FTA, ký kết CPTPP, rồi cam kết của VN với các FTA khác. Thế thì chúng ta ký được EVFTA trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, gởi tới thông điệp chủ nghĩa tự do chắn chắn sẽ thắng chủ nghĩa bảo hộ.

VOH: Hiệp định CPTPP và EVFTA là hai hiệp định có mức độ cam kết rộng của VN từ trước tới nay, cơ hội của Việt Nam là gì? Nhất là mở rộng kim ngạch xuất xuất khẩu cũng như thu hút vốn đầu tư từ các nước EU?

Bà Phạm Quỳnh Mai: Đầu tiên khi ký EVFTA chúng ta được hưởng đó là EVFTA đưa về 0 đối với các dòng thuế. Với EVFTA thì là hiệp định chúng ta đạt mức cam kết về thuế cao nhất đối với EU và gần như 99% dòng thuế đưa về 0 trong lộ trình nhất định trong vòng 10 năm. Như vậy hàng hóa VN được hưởng thuế suất này khi xuất sang Châu Âu. Hiện nay trên thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu có một số mặt hàng chúng ta cũng có thế mạnh như: dệt may, da giày, thủy sản, nhưng thị phần còn khiêm tốn. Nếu hai hiệp định này có hiệu lực chúng ta có cơ hội tăng thị phần hàng hóa của chúng ta.

VOH: Về nhập khẩu và cắt giảm thuế quan cũng có cam kết rộng hơn trong hiệp định này, tạo sức ép đối với doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy cải cách các chính sách của nhà nước phải không?

Bà Phạm Quỳnh Mai: Về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiếp cận được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, máy móc thiết bị, dịch vụ, nhất là các nước thành viên EU mạnh về dịch vụ. Như vậy chúng ta được hưởng lợi từ công nghệ từ EU cho quá trình sản xuất của VN. Ngoài việc cắt giảm thuế quan, Hiệp định CPTPP và EVFTA nội dung còn rộng hơn nữa. Ngoài việc gây ra sức ép chúng ta phải cải tổ năng lực sản xuất trong nước cũng như quản trị của nhà nước, tạo động lực đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, đi kèm EVFTA là hiệp định bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp trong nước với chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài. Để có được EVFTA, chính phủ VN đã cam kết rất cao, có những quy định rất mới như là quốc hữu hóa, không trưng thu các tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, đền bù xứng đáng tương đương với đền bù cho doanh nghiệp nước thứ ba trong trường hợp có thiên tai; quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh có luồng dịch chuyển đầu tư trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ Trung gần đây.

Xin cảm ơn bà! 

Thị trường chứng khoán 23/7/2019: VN-Index bật tăng  - Phiên giao dịch đầu tuần sáng 23/7 diễn ra khá tích cực về mặt điểm số.
TPHCM nỗ lực để đạt chỉ tiêu thu ngân sách - Đến nay, các số thu của TPHCM đều tăng nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu do số thu của thành phố Hồ Chí Minh được giao quá cao.
Bình luận