Chờ...

Vinamilk giải bài toán tăng trưởng đi đôi phát triển bền vững cho hệ thống trang trại bò sữa

(VOH) - Vinamilk đầu tư lớn để phát triển về quy mô và công nghệ cho hệ thống trang trại bò sữa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này tiêu tốn không ít công sức để xây dựng “vòng tuần hoàn xanh” cho các trang trại, vừa tăng hiệu quả hoạt động vừa thân thiện với môi trường.

Xác định “phát triển bền vững” là chiến lược

Theo báo cáo mới nhất, Vinamilk hiện là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trang trại bò sữa (TTBS) chuẩn quốc tế lớn nhất Châu Á về số lượng, với 12 trang trại trong nước đang hoạt động theo các chuẩn Global G.A.P và Organic EU. Ngoài ra, 3 dự án trang trại khác của Vinamilk đang được phát triển tại Việt Nam và Lào, dự kiến trong một đến hai năm tới sẽ đóng góp thêm 20.000 con bò sữa vào tổng đàn bò Vinamilk quản lý hiện nay là 150.000 con.

Dự kiến trong một đến hai năm tới, tổng đàn bò Vinamilk quản lý sẽ lên đến 170.000 con

Quy mô lớn và kế hoạch phát triển sắp tới đòi hỏi doanh nghiệp này một sự đầu tư ở tầm chiến lược cho vấn đề quản lý hệ thống theo định hướng “phát triển bền vững”. Đặc biệt, khi ngành nông nghiệp, chăn nuôi nói chung vẫn đang đối mặt với những thách thức về năng suất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, quỹ đất suy giảm và tình trạng ô nhiễm đất và nguồn nước.

Trong báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk năm 2019, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết: “Vinamilk sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình về phát triển bền vững, thiết lập bộ phận chuyên môn về Kinh tế tuần hoàn, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để không chỉ đưa Vinamilk vào top 30 công ty sữa lớn của thế giới mà còn là công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất của khu vực.”

Hiện thực hóa chiến lược phát triển trang trại xanh, bền vững này, Vinamilk đã và đang vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên toàn bộ hệ thống trang trại, với các chương trình cụ thể như: Quản lý nguồn đất bền vững, canh tác nông nghiệp tiên tiến, năng lượng xanh và tái tạo, quản lý chất thải và biến thành tài nguyên…

Hiện thực hóa chiến lược với các hành động cụ thể

Tại TTBS Vinamilk Tây Ninh (diện tích 685ha và quy mô đàn hơn 8.000 con), đồng cỏ cây cối xanh mát, không có mùi chất thải khó chịu và những dãy chuồng bò sạch sẽ, mát mẻ. Để tạo được môi trường chăn nuôi lý tưởng như “resort” này, Vinamilk đã đầu tư hơn 1.200 tỷ để xây dựng và trang bị các công nghệ hiện đại của Nhật, Mỹ, Châu Âu… như: hệ thống làm mát, vệ sinh chuồng trại tự động, công nghệ thu gom xử lý chất thải Biogas…

Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh được tổ chức như “resort”

Có thể nói, Biogas là điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực triển khai kinh tế tuần hoàn của Vinamilk, giúp việc biến chất thải gia súc thành phân bón cho cây trồng, đồng cỏ, vừa tạo khí metan để đun nóng nước, giúp vệ sinh thiết bị hay thanh trùng sữa bê. Bên cạnh đó, công nghệ gom và xử lý phân GEA giúp tuần hoàn và tái sử dụng nước thải cũng được Vinamilk triển khai áp dụng rộng rãi.

Còn tại Đà Lạt, trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên của Việt Nam do Vinamilk xây dựng thì được doanh nghiệp này đầu tư phát triển để đảm bảo mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường đúng chuẩn Organic Châu Âu. Đất đai đã được “nghỉ” 3 năm để trả về trạng thái tốt nhất. Khu đồng cỏ cung cấp thức ăn cho bò sữa đạt chuẩn hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Tại đây, mọi hoạt động canh tác, chăn nuôi đều được tính toán đến yếu tố “giảm thiểu tác động đến môi trường”.

Kết quả thử nghiệm của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời tại Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt đã giúp giảm đáng kể chi phí và lượng CO­2 thải ra môi trường, với tổng điện năng tái tạo đạt 58.954 kWh. Được biết, Vinamilk sẽ triển khai mở rộng dự án năng lượng này trên diện rộng trong lộ trình 5 năm tiếp theo.

Hệ thống pin năng lượng mặt tròi của Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt

Đối với nguồn đất, một tư liệu quan trọng trong nông nghiệp cần tính toán phương án khai thác đất có trách nhiệm và hiệu quả. Ngoài chủ động đánh giá rủi ro về nguồn đất, Vinamilk có các chương trình quản lý bền vững, tối đa hóa chất lượng thông qua các hoạt động như chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác đất, luân canh cây trồng…  Chỉ trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2019, tổng diện tích đồng cỏ chăn nuôi hữu cơ của Vinamilk đã tăng gấp 10 lần. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo công nghệ Nhật Bản cũng được ứng dụng tại một số trang trại, nhờ đó điều hòa pH trong đất tốt hơn, tăng lượng dinh dưỡng, hữu cơ trong đất.

Theo lộ trình, trong thời gian tới, Vinamilk sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng, ứng dụng phần mềm quản lý để tối ưu hóa thời gian, hiệu quả hoạt động của máy móc trong trang trại và mở rộng phạm vi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời… Các chương trình hành động này sẽ dựa trên nguyên tắc đầu tư xanh, khai thác có trách nhiệm, sử dụng hiệu quả và giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng khi thích hợp.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 6 Châu Á, thứ 2 ASEAN về sản lượng sữa và thứ 4 về năng suất của đàn bò. Để tiếp tục phát triển và đưa ngành sữa tiến gần hơn với sự phát triển chăn nuôi bò sữa trên thế giới, thì nông nghiệp bền vững là định hướng tất yếu của tương lai. Trong đó, rất cần vai trò sự chủ động và sự đầu tư nghiêm túc của những doanh nghiệp tiên phong để tạo động lực cho sự phát triển của toàn ngành.

Bình luận