Chờ...

Xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai để doanh nghiệp có thể kinh doanh bền vững

(VOH) – Trong 40 năm qua, số trận thiên tai trung bình hàng năm trên thế giới đã tăng hơn 4 lần, từ 100 trận/năm lên đến khoảng 400 trận/năm, trong đó riêng loại hình bão lũ đã chiếm khoảng 40%.

Sáng 19/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, chương trình LABs Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Biến đổi khí hậu, an toàn cho doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai để lập kế hoạch kinh doanh liên tục dành cho doanh nghiệp dệt may”.

Quang cảnh hội thảo với chủ đề: Biến đổi khí hậu, an toàn cho doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai diễn ra tại TPHCM
Quang cảnh hội thảo với chủ đề: Biến đổi khí hậu, an toàn cho doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai diễn ra tại TPHCM.

Theo Tổ chức dữ liệu thiên tai quốc tế, trong 40 năm qua, số trận thiên tai trung bình hàng năm trên thế giới đã tăng gấp hơn 4 lần, từ 100 trận/năm lên đến khoảng 400 trận/năm, trong đó riêng loại hình bão lũ đã chiếm khoảng 40%.

Thiên tai diễn ra dồn dập và trải khắp châu lục, trong đó nặng nề nhất là châu Á, khoảng 40% và Nam Mỹ khoảng 25%.

Các nước thường xuyên bị thiên tai gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Philipines, Việt Nam, Nhật Bản. Việt Nam là 1 trong 5  nước có mức độ rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Thiệt hại kinh tế chiếm tới 1,5% GDP/năm; 70% dân số chịu rủi ro thiên tai, trong đó có 400 người chết và mất tích.

Bà Hoàng Thanh Nga, quản lý chương trình Dệt may của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF phân tích:  “Khi mà tăng lên 1 độ C thì không khí sẽ giữ thêm 7% lượng nước thay vì không khí nó khô ẩm giống khí hậu ôn đới, thì nay trong không khí lại giữ rất nhiều nước. Như vậy khi đó nó sẽ đổ nhiều mưa hơn, đó là vòng tuần hoàn gây ra bão lũ. Mỗi ngày, toàn thế giới thải ra 10 tấn khí thải gây ra sự ấm lên toàn cầu, và 1 năm, sẽ tương đương với 500 ngàn quả bom đổ xuống Thành phố Hirosima”.

Cả nước có 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 80% lực lượng lao động của cả nước, chiếm 45% GDP cả nước. Trong đó, ngành dệt may có khoảng 10.400 doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 3 triệu lao động, thuộc top 2 nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận: “Thiên tai cũng làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thương cho xã hội, gây tổn thất về người, tài sản, môi trường và các điều kiện sống khác. Do đó, chúng ta nên phòng ngừa, đây là trách nhiệm của từng cá nhân. Và hội thảo này, chúng hỗ trợ cho doanh nghiệp kỹ năng để xây dựng kế hoạch phòng tránh giảm nhẹ thiên tai để doanh nghiệp chúng ta kinh doanh liên tục”.

Bình luận