17 sai lầm thường gặp trong điều trị sốt ở trẻ em

(VOH) – Bác sĩ Nhi khoa Trần Công đã có những chia sẻ về 17 sai lầm thường gặp ở các bậc phụ huynh trong quá trình điều trị sốt ở trẻ em.

Trẻ nhỏ thường rất dễ bị sốt, thế nhưng có rất nhiều bậc phụ huynh vẫn thường xuyên mắc phải những sai lầm trong việc điều trị cho trẻ như: liên tục cho trẻ uống thuốc hạ sốt, lau người bé bị sốt bằng cồn hay có những ngộ nhận về sốt... Dưới đây là 17 sai lầm thường gặp do bác sĩ Trần Công – Phòng khám Nhi khoa MD Trần chia sẻ.

1. Sai lầm 1: Sốt là một bệnh riêng lẻ

Thực tế sốt không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng, là biểu hiện bên ngoài của bệnh. Thay vì các bậc phụ huynh tập trung vào việc điều trị sốt thì chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây nên sốt để điều trị  triệt để bệnh.

2. Sai lầm 2: Sốt chỉ có hại

Sốt thực chất có lợi và cả có hại. Sốt được hiểu là một phản ứng tự nhiên để chống lại nhiễm trùng, vì thế nhìn về mặt tổng quát trong đa số trường hợp thì triệu chứng sốt là có lợi vì giúp ức chế sự phát triển của vi trùng nên có thể làm bệnh nhân khỏe hơn.

Tuy nhiên, khi sốt cao sẽ làm cho trẻ mệt, bị mất nước. Với những bé có bệnh tim bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh não bẩm sinh... sẽ dẫn đến những rối loạn về mặt cơ thể và trong những trường hợp kể trên thì sốt có hại.

3. Sai lầm 3: Sốt là một cấp cứu cần phải đi khám ngay

Trừ những trường hợp em bé dưới 3 tháng tuổi bị sốt cần phải đi cấp cứu ngay, còn tất cả các trường hợp còn lại thì sốt không phải là một cấp cứu ngoại khoa hay nội khoa để phải đi khám gấp.

17-sai-lam-thuong-gap-trong-dieu-tri-sot-o-tre-em-voh

Không phải trường hợp nào trẻ bị sốt cũng cần cấp cứu ngay (Nguồn: Internet)

Ngoại trừ những trường hợp trẻ bị tai nạn, bị bỏng, chấn thương... thì trong nhi khoa có 5 dấu hiệu nguy hiểm toàn thân mà cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay, đó là:

  • Trẻ bị sốt nằm li bì, khó đánh thức
  • Trẻ thở rít khi nằm yên
  • Nôn ói tất cả mọi thứ
  • Trẻ bị co giật
  • Trẻ khó thở hoặc thở khò khè (với những em bé bị hen suyễn, viêm phổi...)

4. Sai lầm 4: Sốt trên 38.5 độ C là phải uống thuốc hạ sốt

Đây được xem là một sai lầm thường gặp nhất ở rất nhiều các bật phụ huynh cũng như các nhân viên y tế. Thực tế, nhiệt độ ở từng vùng trên cơ thể thường không giống nhau, ví dụ, khi chúng ta đo nhiệt độ ở trán nếu có tác động từ điều hòa thì nhiệt độ cơ thể thường thấp, nếu đo nhiệt độ khi vừa đi ngoài nắng về sẽ thường cao.... cộng với cách đo nhiệt độ của mỗi người chưa chắc là đúng kỹ thuật.

Vì thế, theo bác sĩ Trần Công, không phải đợi đến khi đo nhiệt độ sốt ở trẻ em trên 38.5 độ C mới cho trẻ uống thuốc hạ sốt mà cha mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt khi thấy bé rất mệt. Mục đích của việc uống thuốc hạ sốt không phải là làm cho em bé mát mà là để bé cảm thấy dễ chịu hơn.

5. Sai lầm 5: Trẻ sốt cao sẽ bị co giật

Theo thống kê, chỉ có 3% dân số trẻ em bị sốt sẽ có biểu hiện co giật và phần lớn những trường hợp đó thường gặp ở trẻ có cơ địa hay yếu tố gia đình có người từng bị sốt co giật.

6. Sai lầm 6: Khi thấy trẻ bị sốt thường đặt trẻ vào thau nước lạnh hoặc dội nước đá vào người

Tuyệt đối không được đặt trẻ vào nước lạnh hay dội nước đá vào người trẻ để trị sốt ở trẻ em. Việc làm này chỉ khiến cho em bé bị hoảng loạn, các mạch máu bị co lại, tăng nhiệt độ bên trong cơ thể và thậm chí là có thể gây kích thích thần kinh của trẻ.

7. Sai lầm 7: Liên tục lau nước ấm cho con khi trẻ bị sốt

Đây có thể không phải là sai lầm nhưng nó lại là việc làm không cần thiết. Bởi việc lau nước ấm (nhiệt độ nước phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể) sẽ có tác dụng hạ nhiệt độ tạm thời theo cơ chế vật lý, nhưng nó sẽ không làm thay đổi điểm điều tiết nhiệt ở não, vì thế trẻ vẫn cứ sốt.

Ngoài ra, một số trẻ cũng không thích được lau mát cơ thể khi bị sốt và bé thường sẽ quấy khóc nhiều hơn.

8. Sai lầm 8: Lấy cồn lau người em bé khi bị sốt

Dùng cồn lau người trẻ em khi bị sốt rất dễ gây ngộ độc vì cồn có thể thẩm thấu qua da hoặc bé có thể hít phải hơi cồn, nên cha mẹ tuyệt đối không được làm điều này đối với những trường hợp trẻ em bị sốt.

9. Sai lầm 9: Áp dụng cách dân gian đặt con lươn lên người bé để hạ sốt

Đây là mẹo dân gian truyền miệng nhưng không hề có tác dụng hạ sốt mà chỉ làm cho em bé hoảng sợ nhiều hơn.

10. Sai lầm 10: Dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ

17-sai-lam-thuong-gap-trong-dieu-tri-sot-o-tre-em-1-voh

Các nghiên cứu y khoa cho biết miếng dán hạ sốt không hạ được sốt (Nguồn: Internet)

Trước đây nhiều người cho rằng miếng dán hạ sốt có thể giúp hạ sốt cho trẻ nhưng hiện tại các nhà khoa học và các bác sĩ có uy tín cũng đều cho biết, miếng dán hạ sốt không hạ được sốt mà nó chỉ làm cho em bé khó chịu hơn. Ngoài ra, một số loại miếng dán hạ sốt có thể chứa thành phần không rõ ràng, gây ngộ độc cho trẻ.

11. Sai lầm 11: Đánh thức bé dậy để uống thuốc hạ sốt hoặc lau người bé khi bé đang ngủ

Điều này là không cần thiết và các chuyên gia y tế cũng cho rằng, không nên đánh thức bé dậy để hạ sốt khi bé đang ngủ.

12. Sai lầm 12: Ngộ nhận sốt

Việc trẻ vừa mới đi chơi ngoài nắng vào đo nhiệt độ cao là bình thường. Bé sơ sinh quấn khăn quá chặt cũng sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể bé, một số bé ở trong căn phòng quá nóng, hay thân nhiệt cơ thể bé vào lúc sáng sớm và chiều tối thường tăng từ 0.3 – 0.5 độ cũng là bình thường.

Vì thế, nếu cha mẹ muốn đo nhiệt độ cơ thể bé thì nên để em bé nghỉ ngơi, những em bé được quấn nhiều lớp khăn thì cần tháo bớt ra trước khi đo nhiệt độ.

13. Sai lầm 13: Bé bị sốt do mọc răng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bé mọc răng không gây sốt, mọc răng chỉ làm cho cơ thể bé ấm hơn bình thường một chút nhưng nhiệt độ cơ thể sẽ không vượt quá 38 độ C, khi nhiệt độ cơ thể trẻ trên 38 độ C thì tức là em bé đã bị bệnh.

17-sai-lam-thuong-gap-trong-dieu-tri-sot-o-tre-em-2-voh

Đa số các trường hợp trẻ mọc răng không phải là nguyên nhân gây sốt (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ trong giai đoạn mọc răng thường bị bệnh mà theo giả thuyết có thể là do trong giai đoạn này bé thường xuyên đưa tay lên miệng nên bị nhiễm vi trùng, virus từ bên ngoài. Một số trường hợp, trẻ bị nhiễm trùng nướu khi mọc răng thì có khả năng sẽ gây sốt.

14. Sai lầm 14: Sốt và tăng thân nhiệt của cơ thể ‘đánh đồng’ là một loại

Sốt và tăng thân nhiệt là 2 hiện tượng hoàn toàn khác nhau.

  • Tăng thân nhiệt là do cơ thể bị nhiễm nhiệt hay do mắc phải một căn bệnh gì đó khiến cơ thể sản sinh ra nhiệt, hoặc do cơ thể hấp thụ nhiệt từ bên ngoài môi trường như say nắng, say nóng... Những trường hợp này, điểm điều nhiệt trên não không thay đổi và dù có dùng thuốc hạ sốt thân nhiệt cũng sẽ không hạ xuống. Tăng thân nhiệt có thể dẫn đến tử vong.
  • Sốt là một triệu chứng làm cho điểm điều nhiệt trên não thay đổi. Khi dùng thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cơ thể sẽ giảm xuống. Hiện tượng sốt không gây tử vong.

15. Sai lầm 15: Dùng thuốc hạ sốt liên tục với mong muốn em bé sẽ không bị co giật

Đây là một sai lầm rất phổ biến thường gặp ở các bậc phụ huynh. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc dùng thuốc hạ sốt liên tục với mong muốn bé không bị co giật là không có tác dụng. Bởi tình trạng co giật ở trẻ sẽ phụ thuộc vào cơ địa của trẻ, phụ thuộc vào loại vi trùng, siêu vi tấn công vào cơ thể và phụ thuộc vào cả lứa tuổi của trẻ.

16. Sai lầm 16: Sử dụng thuốc ibuprofen một cách bừa bãi

Tuyệt đối không được sử dụng thuốc ibuprofen để hạ sốt cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì loại thuốc này có độc tính cao, dễ gây dị ứng và có nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt, với những trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nếu sử dụng thuốc ibuprofen thì bệnh sốt xuất huyết ở trẻ có thể sẽ nặng hơn.

17. Sai lần 17: Sử dụng các chế phẩm có nhiều thành phần để điều trị sốt ở trẻ em

Việc sử dụng các chế phẩm có nhiều thành phần trong đó có thành phần hạ sốt như thuốc ameflu, tiffy, một số loại siro hay viên nén có chứa paracetamol... sẽ rất dễ bị ngộ độc. Vì vậy, đối với trẻ nhỏ cha mẹ tuyệt đối không được sử dụng các chế phẩm có nhiều thành phần để điều trị sốt.

Bình luận