Bà bầu ăn bí đao được không và nên lưu ý gì để tốt cho thai kì?

(VOH) – Bổ sung đa dạng rau củ vào thực đơn là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các mẹ cần chú ý ở thời kì dưỡng thai. Vậy bà bầu ăn bí đao được không và nên chú ý gì để đảm bảo an toàn sức khỏe?

“Thế giới” của các loại rau củ vốn rất phong phú, tuy nhiên giữa vô vàn lựa chọn ấy, mẹ bầu thường khá băn khoăn bởi không biết nên bồi bổ loại nào để vừa cải thiện sức khỏe bản thân, vừa thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.

Vì thế nếu mẹ yêu thích hương vị của trái bí đao (bí xanh) và muốn bổ sung các món ăn từ bí đao vào khẩu phần ăn thì hãy tìm hiểu thêm về tác động của thực phẩm này để an tâm sử dụng trong thai kì nhé.

1. Bà bầu ăn bí đao được không?

Bí đao được biết đến là loại rau củ có tính hàn, khá mọng nước, đặc biệt chứa hàm lượng các dưỡng chất vô cùng dồi dào, kể đến như chất xơ, nhóm vitamin B, vitamin C, vitamin PP cùng khoáng chất kali, canxi, magie hay photpho. Chính vì lý do đó, bí đao được xem như một thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng dành cho cả mẹ và em bé trong bụng nên bà bầu hoàn toàn có thể ăn bí đao.

2. Bà bầu ăn bí đao tốt cho thai kì thế nào?

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe mà mẹ bầu có thể nhận được nếu dùng bí đao đúng cách và khoa học trong chế độ ăn hàng ngày:

2.1 Giảm chứng phù nề

ba-bau-an-bi-dao-duoc-khong-va-nen-luu-y-gi-de-tot-cho-thai-ki-voh-0

Lượng chất kali từ bí đao giúp cân bằng chất điện giải, giảm tình trạng phù nề ở mẹ bầu (Nguồn: Internet) 

Hiện tượng phù nề tay chân hoặc mặt xuất hiện khá phổ biến ở các mẹ bầu, nhất là vào thời kì tam cá nguyệt thứ 3.

Theo đó, để cải thiện hiệu quả tình trạng phù nề này, bên cạnh duy trì vận động nhẹ nhàng, tránh đứng hay ngồi quá lâu, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích mẹ tăng cường ăn thêm những thực phẩm cung cấp lượng lớn khoáng chất kali như bí đao, nhằm hạn chế tích trữ nước trong tế bào. (1)

Xem thêm: Mẹo mát xa chân giúp mẹ bầu ‘tạm biệt’ chứng phù nề khi mang thai

2.2 Điều hòa huyết áp

Hấp thu thêm khoáng chất kali với lượng hợp lý từ bí đao sẽ giúp nồng độ các chất điện giải trong cơ thể mẹ được cân bằng, đào thải lượng muối natri dư thừa và kiểm soát huyết áp ở mức ổn định. Từ đây có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các tai biến sản khoa nghiêm trọng như sinh non, tiền sản giật hay thai bị ngạt thở. (2)

2.3 Thanh nhiệt giải độc

Bí đao vốn có tính mát và mang tới hàm lượng nước lớn. Do vậy, mẹ bầu có thể sử dụng bí đao làm nguyên liệu của những món canh, món hầm, món xào hoặc đem pha chế nước ép bí đao để giải nhiệt từ bên trong và khắc phục cảm giác “bốc hỏa" khi mang thai.

Xem thêm: Bỏ qua ốm nghén, đây là những khó chịu bà bầu thường gặp phải khi mang thai

2.4 Kích thích tiêu hóa

Các phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng trong 100g phần ăn được của bí đao có chứa khoảng 3g chất xơ, chủ yếu là chất xơ hòa tan. Nhóm chất xơ này giống như chất keo bảo vệ niêm mạc ruột của mẹ bầu khỏi vi khuẩn gây hại, đồng thời nhũ tương hóa chất béo, kích thích tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm chứng đầy bụng khó tiêu. (3)

2.5 Cải thiện tình trạng chuột rút  

Trong giai đoạn mang thai, phần lớn các mẹ bầu đều gặp phải tình trạng chuột rút – co rút cơ và đau thắt ở vùng bắp chân, bởi tử cung ngày càng lớn và chèn ép lên mạch máu cùng dây thần kinh của chi dưới.

Lúc này mẹ hãy bổ sung bí đao trong chế độ dinh dưỡng, nhằm tiếp nạp thêm các khoáng chất như canxi, photpho hay magie, duy trì hệ vận động dẻo dai và giảm đau nhức cơ bắp. (4)

Xem thêm: Bí quyết chữa bị chuột rút khi mang thai cho mẹ bầu

2.6 Dưỡng da mịn màng

Hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong bí đao tương đối lớn, khoảng 16mg/100g phần bí đao ăn được. Hoạt chất này sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, giữ lại độ ẩm trên da và tăng tính đàn hồi lớp biểu bì dưới da, góp phần dưỡng da mịn màng cũng như giảm vết rạn nứt, thâm sạn ở vùng bụng, bắp chân của mẹ bầu. (6)

2.7 Tốt cho đôi mắt

Bà bầu ăn bí đao được không và nên lưu ý gì để tốt cho thai kì? 2
Bổ sung vitamin A, vitamin B2 từ bí đao giúp bảo vệ đôi mắt của mẹ (Nguồn: Internet)

Sự biến đổi hormone progesterone khi mang thai có tác động không nhỏ tới thị lực của bà bầu, mẹ thường xuyên thấy mỏi, mờ mắt, tầm nhìn giảm xuống. Hiện tượng này sẽ thuyên giảm sau khi sinh em bé, song để chăm sóc và bảo vệ tốt đôi mắt, mẹ hãy tăng hấp thu vitamin A, vitamin B2 từ những thực phẩm quen thuộc, dễ tìm kiếm như bí đao. (5)

Xem thêm: Thổi bay’ chứng mờ mắt khi mang thai bằng những cách 'siêu' đơn giản

3. Một số lưu ý an toàn khi bà bầu ăn bí đao

Dù bí đao được đánh giá là thực phẩm bổ dưỡng dành cho mẹ bầu nhưng trong quá trình sử dụng loại bí này, các mẹ đừng quên áp dụng một số lưu ý an toàn sau:

  • Không nên ăn bí đao còn sống để tránh bị ngộ độc.
  • Kết hợp đa dạng rau củ trong thực đơn, hạn chế ăn quá nhiều bí đao, trong tuần chỉ nên ăn từ 1 – 2 bữa bí đao. Khi dùng bí đao ép nước, tốt nhất uống khoảng 150ml một lần.
  • Nếu thuộc đối tượng có huyết áp thấp thì mẹ cần hạn chế ăn bí đao.
  • Không ăn bí đao nếu đang bị tiêu chảy kéo dài.

Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết đã giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về công dụng của bí đao với sức khỏe thai kì. Mẹ hãy lưu ý sử dụng đúng cách, đủ lượng để hấp thu tối đa dưỡng chất cũng như bảo vệ an toàn cho bản thân và cả bé nhé. 

Bình luận