Bà bầu ăn dứa từ tháng thứ mấy để tốt cho cả mẹ và con?

(VOH) – Dứa là một loại trái cây tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng khi mang thai thì không nên ăn dứa vì sẽ làm hại thai nhi. Vậy sự thật thế nào, bà bầu ăn dứa được không?

Cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, quả dứa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng quá nhiều. Để đảm bảo an toàn sức khỏe trong thai kỳ, trước khi thêm dứa trong thực đơn hàng ngày, bà bầu cần tìm hiểu kĩ lưỡng cả lợi ích sức khỏe lẫn các nguy cơ có thể xảy ra khi ăn dứa. 

1. Bà bầu ăn dứa được không?

Có không ít lời khuyên rằng mẹ bầu cần kiêng khem việc sử dụng dứa trong suốt thai kì bởi có thể làm tăng tỉ lệ xảy thai. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể nào về “lời đồn đoán” này.

Chính vì vậy, các bác sĩ sản khoa chia sẻ rằng, để bổ sung đa dạng dưỡng chất cho mẹ và bé, bà bầu có thể ăn dứa nhưng cần duy trì một liều lượng hợp lý, tránh dùng quá nhiều. 

2. Tháng thứ mấy bà bầu nên ăn dứa?

Bất cứ loại quả nào cũng an toàn đối với sức khỏe của mẹ bầu nếu được sử dụng đúng thời điểm và hàm lượng ở giới hạn cho phép. Theo đó, thời điểm tốt nhất bà bầu có thể ăn dứa để bổ sung các vi chất dinh dưỡng là sau 3 tháng đầu thai kì. Điều này nhằm hạn chế tối đa tác động của bromelain gây co thắt tử cung.

ba-bau-an-dua-tu-thang-thu-may-de-tot-cho-ca-me-va-con-voh-0
Bà bầu có thể ăn dứa, nhưng thời điểm tốt nhất là sau 3 tháng đầu thai kì (Nguồn: Internet) 

Vào những tháng cuối mang thai, dứa nằm trong nhóm trái cây được khuyến khích bồi bổ cho mẹ bầu. Hơn nữa, từ khoảng tuần 38 thai kì trở đi, khi em bé đã chuẩn bị sẵn sàng để “chào thế giới”, thói quen ăn dứa đều đặn sẽ giúp quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra dễ dàng hơn. Bởi lúc này, chính enzym bromelain có thể làm mềm cổ tử cung của thai phụ.

Như vậy, lượng dứa phù hợp cho mẹ trong thai kỳ sẽ được phân bổ như sau:

  • Trong tam cá nguyệt đầu: Cần hạn chế tối đa ăn dứa. 
  • Trong tam cá nguyệt thứ 2: Dùng một lượng nhỏ tử 50 – 100g dứa trong mỗi 2 – 3 bữa ăn/tuần.
  • Trong tam cá nguyệt thứ 3: Mẹ bầu có thể sử dụng khoảng 250g dứa mỗi ngày. Tuy vậy vẫn cần theo dõi cơ địa mỗi người, nhằm điều chỉnh lượng tiêu thụ phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe. 

3. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn dứa 

Nếu đảm bảo dùng dứa đúng cách, đúng khoa học, bà bầu hoàn toàn có thể nhận được lợi ích sức khỏe quan trọng sau đây: 

3.1 Giảm căng thẳng lo âu

Những trái dứa chín có vị chua dịu, ngọt thanh cùng hương thơm rất dễ chịu không chỉ giúp kích thích vị giác mà còn hỗ trợ giảm tình trạng căng thẳng, lo âu các bà bầu thường gặp phải.

Ngoài ra, theo các phân tích dinh dưỡng, vitamin B1, vitamin B2 và vitamin B6 được tìm thấy trong dứa sẽ đảm nhiệm vai trò kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như serotonin hay GABA (Gamma aminobutyric acid).

Xem thêm: 6 cách giúp mẹ bầu ‘vượt qua’ tình trạng bị stress khi mang thai

3.2 Kích thích tiêu hóa

Sự thay đổi nồng độ hormone progesterone cùng với việc kích thước của em bé ngày một lớn hơn gây rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu, kể đến như táo bón, đầy bụng hay chán ăn. Thật may là hàm lượng chất xơ cũng như enzyme bromelain do dứa cung cấp sẽ giúp phân hủy protein từ thức ăn, thúc đẩy tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng diễn ra hiệu quả hơn.

ba-bau-an-dua-tu-thang-thu-may-de-tot-cho-ca-me-va-con-voh-1
Enzyme bromelain trong dứa kích thích quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, giảm tình trạng táo bón ở bà bầu (Nguồn: Internet) 

3.3 Phòng chống dị tật bẩm sinh

Có thể nói hàm lượng vitamin C trong dứa tương đối dồi dào, nhóm chất này sẽ tăng cường khả năng tiếp nạp vi chất sắt cần thiết để hình thành tế bào hồng cầu và nhân tế bào của thai nhi. Do vậy, tiếp nạp thêm vitamin C từ dứa được xem như phương pháp phòng chống thiếu máu, chủ động ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. 

Xem thêm: iểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

3.4 Tăng cường hệ miễn dịch

Không chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn, vitamin C được đánh giá là thành tố không thể thiếu của các tế bào bạch cầu trung tính, góp phần ngăn chặn tổn thương mô tế bào và cải thiện chức năng hệ miễn dịch. 

3.5 Điều trị suy giãn tĩnh mạch

Tình trạng suy giãn tĩnh mạch xuất hiện khá phổ biến trong thai kỳ, nhất là ở những tháng cuối, lúc này các tĩnh mạch chân bị giãn, phình to và thậm chí sẽ xoắn lại gây đau nhức.

Thời kì này, ngoài việc thường xuyên vận động, xoa bóp nhẹ nhàng, mẹ nên ăn thêm dứa vào các bữa phụ, đây là cách bổ sung vitamin C, chất xơ để sản sinh collagen và mô liên kết elastin duy trì sức bền của thành mạch máu. 

Xem thêm: Bà bầu bị suy giãn tĩnh mạch chân: Dấu hiệu nào là đáng lo?

3.6 Tốt cho xương khớp

Trong dứa có chứa một số khoáng chất thiết yếu như mangan, photpho hay magie – đều tham gia cấu tạo nên những tế bào xương mới và mô liên kết ở các khớp, giúp mẹ bầu khắc phục các cơn đau nhức xương khớp, đặc biệt tại vùng xương chậu. 

Dứa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ mang thai nên mẹ bầu hãy cân nhắc tình trạng sức khỏe của mình để bổ sung dứa sao cho hợp lý trong thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé yêu, mẹ nhé!
 

Bình luận