Bà bầu ăn mướp đắng được không?

(VOH) – Mướp đắng là thực phẩm quen thuộc với nhiều người, được dùng trong chế biến thức ăn và có công dụng như vị thuốc. Thế nhưng, phụ nữ mang thai thì thế nào, bà bầu ăn mướp đắng được không?

Mướp đắng (khổ qua) là loại quả tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ có rất nhiều thay đổi trong cơ thể và để đối phó với những thay đổi đó, mẹ bầu phải có những thay đổi nhất định về chế độ ăn uống. Một số loại thực phẩm có thể không phù hợp với bà bầu, trong đó có quả mướp đắng.

1. Bà bầu ăn mướp đắng được không?

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản A, BV Từ Dũ TPHCM chia sẻ, trái mướp đắng (khổ qua) là một vị thuốc thường được sử dụng để giúp giảm đường huyết, chống ung thư và nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Khổ qua còn có khả năng tiềm tàng chống siêu vi.

Tuy nhiên, bà bầu ăn mướp lại không tốt cho thai kỳ vì trong trái mướp đắng có chứa một số chất có thể gây co thắt tử cung sớm, gây ra các vấn đề về dạ dày như khó tiêu, tiêu chảy, thiếu máu...

ba-bau-an-muop-dang-duoc-khong-voh-0
Mướp đắng không phải là thực phẩm tốt cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Mặc dù ở Việt Nam chưa có ghi nhận về những trường hợp bà bầu ăn mướp đắng gây nguy hiểm cho bào thai, nhưng có vài nghiên cứu cho thấy hạt mướp đắng có thể làm hư thai và trái mướp đắng có khả năng gây đột biến gen. Vì vậy, phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên tốt nhất là không nên dùng mướp đắng.

Dưới đây là một số tác dụng phụ của mướp đắng có thể gây ra cho bà bầu trong giai đoạn thai kỳ:

1.1 Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Theo nghiên cứu, ăn quá nhiều mướp đắng chính là nguyên nhân gây nên các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, ợ nóng… Vì thế, mẹ bầu ăn mướp đắng trong thai kỳ sẽ rất dễ gặp phải tình trạng này.

1.2 Gây ngộ độc

Trong quả mướp đắng có các thành phần có khả năng gây ngộ độc cao như quinine, saponin glycosides và medicine. Những chất này đều có thể gây ngộ độc cho cơ thể với các triệu chứng như nôn ói, mờ mắt, nổi mẩn đỏ, tiêu chảy, mệt mỏi và tiết nhiều nước bọt.

1.3 Nguy cơ sảy thai sinh non

Trong hạt mướp đắng có chứa vicine, một chất có độc tính có khả năng gây nhức đầu, đau thắt tử cung và có thể dẫn đến việc sinh con trước thời hạn.

1.4 Thiếu máu

Bà bầu ăn khổ qua trong thai kỳ có thể bị thiếu máu. Lý do là vì trong quả mướp đắng có chứa phân tử vicine có khả năng phá hủy các tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu thai kỳ cũng như các biến chứng khác, chẳng hạn như tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân...

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

2. Bà bầu ăn mướp đắng vào tháng thứ mấy thì được?

Theo khuyến cáo, tốt nhất mẹ bầu nên tránh ăn mướp đắng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn mướp đắng, bạn có thể tiêu thụ chúng với một lượng nhỏ sau khi đã tham khảo với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Thông thường, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tuyệt đối không được ăn mướp đắng. Tuy nhiên, bạn có thể ăn một lượng nhỏ mướp đắng trong giai đoạn thai kỳ cho phép, tức là ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 trở về sau, vì lúc này, nguy cơ sảy thai đã giảm đi rất nhiều.

ba-bau-an-muop-dang-duoc-khong-voh-1
Mẹ bầu có thể ăn mướp đắng với lượng vừa phải sau giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 (Nguồn: Internet)

Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên ăn mướp đắng được nấu chín, chẳng hạn như các món canh mướp đắng hoặc mướp đắng xào với thịt, với số lượng nhỏ trong bữa trưa và bữa tối. Lưu ý, không ăn mướp đắng liên tục trong thai kỳ.

Trong trường hợp bạn không ăn được mướp đắng, cũng không cần phải cố gắng thêm mướp đắng vào thực đơn của mình. Có rất nhiều thực phẩm khác vừa an toàn vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng mà mẹ bầu có thể dùng để thay cho mướp đắng trong chế độ dinh dưỡng thai kỳ của mình.

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng khi mang thai giúp mẹ khỏe, con phát triển tốt

3. Bà bầu uống nước mướp đắng có được không?

Tương tự như ăn mướp đắng, bà bầu uống nước ép mướp đắng khi mang thai cũng có thể gây ra các cơn co thắt và thậm chí gây chảy máu, dẫn đến sảy thai.

Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh uống nước ép mướp đắng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn muốn uống nó, hãy tiêu thụ nó với một lượng nhỏ sau khi đã được sự đồng ý từ bác sĩ.

4. Lỡ ăn mướp đắng khi mang thai phải làm sao?

Mặc dù có rất nhiều khuyến cáo về việc bà bầu không nên ăn mướp đắng trong thai kỳ, tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định rằng ăn mướp đắng sẽ làm sảy thai hay gây dị tật thai nhi. Vì thế, mẹ bầu lỡ ăn mướp đắng khi mang thai cũng không cần phải quá căng thẳng hay lo lắng.

Trước tiên mẹ bầu cần bình tĩnh, bởi sự lo lắng sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bà bầu, không tốt cho thai nhi. Sau khi ăn, mẹ bầu cần chú ý quan sát các xem cơ thể thể có xảy ra hiện tượng nào bất thường hay không. Nếu có, mẹ bầu hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và xử trí.

Nhìn chung, mướp đắng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng bà bầu tốt nhất không nên ăn chúng trong giai đoạn thai kỳ. Nếu muốn ăn, chỉ có thể ăn sau tam cá nguyệt thứ 2 và ăn trong một giới hạn cho phép hoặc đã có tham khảo ý kiến từ bác sĩ.

Bình luận