Bà bầu ăn rau ngổ được không? Lời giải đáp và lưu ý cho mẹ

(VOH) – Bên cạnh rau mùi, thì là hay rau răm,…rau ngổ (ngò om) cũng thuộc nhóm rau gia vị gần như không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Tuy nhiên trong chế độ dưỡng thai, bà bầu ăn rau ngổ được không?

Đối với người Việt, các loại rau thơm như rau ngổ (rau ngò om, rau om) không chỉ góp phần làm trọn vẹn hương vị của món ăn mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe.

Theo đó, rau ngổ thuộc nhóm rau xanh có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa với tính kháng viêm tương đối mạnh như flavonoid, phenolic hay terpenoid. Thế nhưng dù đem đến nhiều dưỡng chất nhưng liệu rau ngổ có thực sự an toàn với phụ nữ mang thai?

1. Bà bầu ăn rau ngổ được không?

Vốn là rau gia vị quan trọng trong nhiều món ngon như canh chua cá, thịt bò xào hay lươn om,...song các mẹ bầu vẫn khá “dè chừng” với rau ngổ vì lo ngại những tác động xấu tới sức khỏe thai kì.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng phụ nữ sau sinh ăn rau ngổ sẽ tốt hơn khi đang trong thời gian mang thai vì loại rau này có tác dụng chống băng huyết và tăng tiết sữa. (1)

Dù vậy, trên thực tế, bà bầu vẫn có thể ăn rau ngổ nhưng nên ăn càng ít càng tốt (tối đa 10g một lần) và tránh sử dụng quá thường xuyên. Đặc biệt với các mẹ có thể trạng yếu, đang mang thai thụ tinh trong ống nghiệm hay từng có tiền sử sảy thai, sinh non thì không được khuyến khích dùng. 

ba-bau-an-rau-ngo-duoc-khong-loi-giai-dap-va-luu-y-cho-me-voh-0
Bà bầu có thể ăn rau ngổ nhưng nên ăn với lượng ít (Nguồn: Internet)

2. Một số rủi ro sức khỏe khi bà bầu ăn rau ngổ quá nhiều

Mẹ bầu chỉ nên thêm một lượng nhỏ rau ngổ khi chế biến các món ăn để giảm bớt cảm giác “nhớ vị”, tuyệt đối không nên vì ngon miệng mà dùng quá mức an toàn nhằm chủ động phòng chống một số rủi ro sức khỏe dưới đây:

2.1 Tăng nguy cơ sảy thai

Chúng ta biết rằng rau ngổ có đặc tính sinh trưởng trong môi trường ruộng nước, vũng lầy nên nguy cơ nhiễm sán, nhiễm khuẩn khá cao. Chính vì vậy, nếu mẹ bầu tiêu thụ loại rau này với liều lượng lớn (nhất là ăn sống trực tiếp) có thể sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi và thậm chí làm tăng nguy cơ sảy thai.

Xem thêm: 10 thực phẩm dễ gây sảy thai, các mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn

2.2 Dễ bị rối loạn tiêu hóa

Phụ nữ mang thai thường được xếp vào nhóm đối tượng có hệ tiêu hóa khá nhạy cảm nên lựa chọn thực phẩm và chế biến luôn cẩn tỉ mỉ, kĩ lượng. Theo đó, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo cần ăn chín uống sôi, tránh ăn quá nhiều các loại rau sống như rau ngổ, nhằm tránh bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài.

2.3 Gây dị ứng

Nếu quan sát kĩ, các mẹ sẽ nhận thấy phần thân của rau ngổ (ngò ôm) tập trung khá nhiều lông tơ – đây xem như một trong những yếu tố gây ngứa ngáy, dị ứng khá nghiêm trọng. Vì vậy, nếu mẹ có tiền sử mắc dị ứng thì nên cẩn trọng khi ăn loại rau thơm này để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi.

Xem thêm: Bỏ qua ốm nghén, đây là những khó chịu bà bầu thường gặp phải khi mang thai

3. Bà bầu ăn rau ngổ cần thực hiện lưu ý gì?

Bên cạnh việc cân đối hàm lượng rau ngổ trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ bầu cần ghi nhớ thực hiện các lưu ý an toàn dưới đây khi sử dụng:

3.1 Ngâm rửa sạch

Sau khi chọn mua rau ngổ tươi, có nguồn gốc rõ ràng, công đoạn tiếp theo các mẹ cần thực hiện đó là ngâm rửa rau thật sạch với nước muối loãng từ 20 – 30 phút. Điều này nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, giun sán và lớp lông bám trên thân, đảm bảo an toàn sức khỏe.

ba-bau-an-rau-ngo-duoc-khong-loi-giai-dap-va-luu-y-cho-me-voh-1
Nên ngâm rửa sạch rau ngổ và để ráo nước trước khi đem đi chế biến bất cứ món ăn nào (Nguồn: Internet)

3.2 Nấu chín trước khi ăn

Như đã chia sẻ, thực phẩm đã được nấu chín là lựa chọn tốt cho mẹ bầu, với rau ngổ thì phương pháp ăn chín càng được khuyến khích hơn cả.

Xem thêm: 13 thói quen khi nấu ăn phải tránh nếu không muốn 'nhận hậu quả' về sau

3.3 Không ăn khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường

Trong thai kì, khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào, bà bầu luôn được nhắc nhở phải theo dõi sức khỏe và chú ý phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều chỉnh thực đơn phù hợp. Do đó, nếu mẹ ăn thêm rau ngổ nhưng cảm thấy cơ thể mệt mỏi, bị rối loạn tiêu hóa,…thì nên tạm dừng sử dụng và nhanh chóng tới thăm khám chuyên khoa.

Bước vào giai đoạn mang thai, mẹ bầu không chỉ ăn uống, bồi bổ cho bản thân mà còn để nuôi dưỡng em bé trong bụng nên dù rau ngổ là món rau “sở trường” mẹ cũng cần chú ý ăn đúng cách, đúng liều lượng đấy nhé!

Bình luận