Bà bầu ăn rau răm có sao không?

(VOH) – Rau răm là loại rau ăn kèm trong nhiều món ăn và cũng có rất nhiều người thích ăn loại rau này kể cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bà bầu ăn rau răm có sao không?

Rau răm là loại rau dễ trồng và thường được dùng kèm trong rất nhiều món ăn như: thịt gà, thịt bò, cháo trai, hến... và đặc biệt, khi ăn hột vịt lộn thì không thể nào thiếu được rau răm.

Trong Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Có tác dụng làm ấm bụng, tiêu thực, kích thích tiêu hóa. Ăn rau răm cũng giúp làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng thì bà bầu không nên ăn rau răm trong thai kỳ.

1. Bà bầu ăn rau răm trong thai kỳ có sao không?

Đông y khuyên phụ nữ mang thai không nên ăn rau răm trong thai kỳ, đặc biệt là ở 3 tháng đầu tiên, vì rau răm có thể khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng chảy máu ở vùng kín. Hơn thế, rau răm có khả năng gây co thắt tử cung, thậm chí là dẫn tới sảy thai.

Trong y học hiện đại, một số nghiên cứu về rau răm cho thấy, trong rau răm có chứa thành phần làm kích thích thành tử cung, gây co bóp tử cung nên có thể dẫn đến sảy thai.

Chính vì thế, các bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất nên hạn chế ăn rau răm, vì ngoài việc gây co bóp tử cung, sảy thai thì ăn nhiều rau răm còn dễ dẫn đến thiếu máu. Tuy nhiên, khi thai đã lớn (tam cá nguyệt thứ 2) thì việc ăn một vài cọng rau răm kèm với trứng vịt lộn sẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

ba-bau-an-rau-ram-co-sao-khong-voh-0

Khi thai đã lớn, việc ăn một vài cọng rau răm kèm với trứng vịt lộn sẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong dân gian nhiều người dùng rau răm để gây sảy thai. Cách này hiệu quả với tỷ lệ lên đến 60 – 80% trong những trường hợp chậm kinh khoảng từ 5 – 9 ngày.

Mặc dù, việc phá thai bằng rau răm hiện vẫn chưa được khoa học kiểm chứng rõ ràng, nhưng nếu muốn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, tốt nhất bà bầu không nên ăn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc ăn loại rau răm này trong thai kỳ.

Xem thêm: 10 thực phẩm dễ gây sảy thai, các mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn

2. Những loại rau mẹ bầu có thể ăn thay cho rau răm

Đối với người bình thường rau răm là loại rau không gây hại, thậm chí là rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên với bà bầu nên thì đây là loại rau cần nên tránh.

Do đó, thay vì chọn ăn rau răm ẩn chứa nhiều nguy cơ, mẹ bầu nên ưu tiên ăn những loại rau xanh tốt cho thai kỳ, chẳng hạn như: súp lơ, rau mùi tây, đậu hà lan, rau diếp, cải xoăn, rau chân vịt, cải bẹ xanh, cải thìa, xà lách...

ba-bau-an-rau-ram-co-sao-khong-voh-1
Có rất nhiều loại rau củ quả tốt cho thai kỳ của mẹ (Nguồn: Internet)

Đồng thời mẹ bầu cũng cần hạn chế một số loại rau như: rau sam, rau ngót, mướp đắng, ngải cứu, chùm ngây, đu đủ xanh... vì chúng nằm trong nhóm những loại thực phẩm có thể gây sảy thai ở mẹ bầu.

Xem thêm: Mẹ bầu nên ăn và kiêng gì trong 3 tháng đầu mang thai để bé cưng khỏe mạnh?

Ngoài ra, trước khi ăn bất kỳ một loại rau củ hay thực phẩm tươi sống nào các mẹ bầu cũng nên lưu ý một số điều sau:

  • Lựa chọn sản phẩm, rau củ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt nhất nên chọn mua các sản phẩm được dán nhãn “organic”.
  • Nên chọn rau củ quả tươi, không héo, không bị dập nát, cuống còn xanh.
  • Không nên chọn mua các loại rau củ quả trái mùa vì rất dễ mua phải các loại trái cây có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
  • Luôn rửa sạch rau củ quả nhiều lần dưới vòi nước sạch trước khi chế biến hoặc ăn nhằm loại bỏ sạch sẽ những tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
  • Nên nấu chín thực phẩm trước khi ăn tuy nhiên đối với các loại rau củ thì cũng không nên nấu quá lâu để tránh làm mất đi vitamin có trong thực phẩm..

Nhìn chung, phụ nữ trong giai đoạn mang thai bên cạnh giữ gìn sức khỏe thì chế độ ăn uống cũng cực kỳ quan trọng. Do đó, ngoài việc ăn uống đủ chất để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất để cơ thể khỏe mạnh, mẹ bầu cũng nên chú ý tránh ăn những loại thực phẩm dễ gây sảy thai, trong đó có rau răm.

Bình luận