Tại sao bé bị nứt hậu môn trị hoài không khỏi?

(VOH) - Nứt hậu môn ở trẻ em mang đến nhiều đau đớn, phiền toái trong sinh hoạt và cuộc sống của trẻ. Vậy điều trị tình trạng trẻ bị nứt hậu môn như thế nào để mau khỏi bệnh?

Những thông tin về vấn đề "Tại sao trẻ bị nứt hậu môn trị hoài không khỏi" sẽ được Bác sĩ Vũ Tuấn Ngọc – Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc chia sẻ trong chương trình Con Khỏe Nhà Vui, phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói nhân dân TPHCM.

1. Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi năm nay được 13 tuổi đang gặp tình trạng nứt hậu môn kéo dài, sau khi thăm khám bác sĩ cũng có tư vấn cách ăn uống để bé không bị táo bón. Gia đình cũng đã thực hiện giống vậy và bé đi cầu cũng đã bình thường nhưng vết rách ở hậu môn vẫn không lành.

Vậy bác sĩ cho tôi hỏi có phải do đây là rách hậu môn mãn tính nên vết rách không thể lành lại hay không? Trong 7 lần bé đi cầu thì có 1 lần bé đi cầu ra máu thì có sao không thưa bác sĩ ?

tai-sao-be-bi-nut-hau-mon-tri-hoai-khong-khoi-VOH

Tại sao bé bị nứt hậu môn trị hoài không khỏi? (Nguồn: Internet)

2. Bác sĩ giải đáp:

Chào chị,

Nứt hậu môn là bệnh lý thuộc vùng hậu môn trực tràng, nguyên nhân chủ yếu thường do táo bón lâu ngày gây nên.

Để điều trị tình trạng nứt hậu môn ở trẻ thì đầu tiên chúng ta cần phải điều trị chứng táo bón ở trẻ. Vì khi tình trạng táo bón giảm thì vết nứt hậu môn sẽ từ từ lành lại như cũ.

Với trường hợp cháu nhà đã đi cầu được bình thường thì điều quan trọng tiếp theo chị cần quan tâm đến chính là quan sát phân bé ở dạng cứng hay mềm. Bởi vì khi phân cứng thì mỗi lần nó đi ngang hậu môn sẽ làm vết rách tại hậu môn bị hở ra và nếu như ngày nào tình trạng trên cũng diễn ra thì vết rách sẽ khó lành lại được.

Và theo như chị chia sẻ thì trong 1 tuần bé đi ngoài 7 lần thì có 1 lần bé đi ngoài có máu thì thật ra chỉ cần có 1 lần bé bị chảy máu khi đi ngoài thì vết rách đó đã không khép lại được, mà nếu vết rách không kép lại thì vết nứt hậu môn sẽ không thể lành lại.

Do đó, nếu trong trường hợp phân bé nhà chị đi vẫn còn cứng, lâu lâu bé vẫn đi cầu ra máu thì điều quan trọng lúc này chính là chị cần phải giúp phân bé được mềm hơn bằng cách cho bé uống thuốc nhuận tràng (thuốc nhuận trường).

Tuy nhiên, chị cũng cần lưu ý thêm việc dùng thuốc nhuận tràng cho bé bị nứt hậu môn thì cần phải được thực hiện trong thời gian lâu dài, ít nhất khoảng vài tháng chứ không phải uống trong 1, 2 tuần là phân có thể mềm ngay được.

Thuốc nhuận tràng mà nhiều người hay sử dụng hiện nay chính là thuốc sorbitol với liều dùng thông thường là 2 gói trên 1 ngày. Trong trường hợp bé nhà uống thuốc nhuận tràng thấy khó chịu thì chị có thể giảm liều lượng thuốc uống thành ½ gói cho mỗi lần uống và phải uống trong thời gian dài thì phân mới có thể mềm được, từ đó vết rách hậu môn mới có thể khép lại.

Bên cạnh đó, việc cho bé ăn nhiều loại rau xanh, trái cây như thanh long, cam, chuối, khoai lang… cũng là cách để giúp bé được nhận tràng, tránh tình trạng táo bón ở trẻ quay trở lại.

Để nghe lại lời chia sẻ của bác sĩ của Bác sĩ Vũ Tuấn Ngọc bạn có thể nghe tại audio bên dưới:

Bình luận