Tạo thói quen bé tập đánh răng mỗi ngày bằng 6 cách đơn giản

(VOH) - Việc tạo thói quen cho bé tập đánh răng hàng ngày không hề đơn giản, bởi có một số trẻ không hề hào hứng, thậm chí còn phản kháng quyết liệt khi bị cha mẹ bắt tập đánh răng.

1. Khi nào nên bắt đầu cho bé tập đánh răng?

Theo thống kê, có đến 40% trẻ bị sâu răng trước khi vào mẫu giáo (cao gấp 5 lần sao với bệnh hen suyễn và 7 lần so với bệnh dị ứng theo mùa – theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ). Điều này cho thấy, đối với trẻ nhỏ thì sâu răng là một vấn đề rất thường gặp hiện nay.

Đó cũng là lý do vì sao các bậc cha mẹ nên cho bé tập đánh răng khi trẻ đã mọc răng. Những bé chưa mọc răng, mẹ hãy tạo thói quen dùng khăn xô hoặc gạc lau rửa lợi cho bé với nước sạch hoặc nước muối loãng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để giúp ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ, gây bất lợi cho bé.

Khi bé được 2 – 3 tuổi, mẹ đã có thể tập cho bé thói quen đánh răng hàng ngày bằng bàn chải và kem đánh răng dành cho trẻ. Hãy hướng dẫn con các bước đánh răng đúng cách để bảo vệ răng miệng và sức khỏe.

Lưu ý: Khi tập đánh răng cho bé, cha mẹ cần phải quan tâm nhiều đến bàn chải cũng như loại kem đánh răng  để con sử dụng an toàn, phù hợp.

tao-thoi-quen-be-tap-danh-rang-moi-ngay-bang-6-cach-don-gian-voh

Với trẻ nhỏ mẹ cần lựa chọn đúng bàn chải răng và loại kem đánh răng phù hợp (Nguồn: Internet)

Đối với bàn chải, cha mẹ nên chọn cho con loại dành cho trẻ em với đầu chải nhỏ và lông mềm.

Đối với kem đánh răng:

  • Trẻ từ 0 đến 18 tháng tuổi: Chỉ đánh răng bằng nước sạch hoặc nước muối pha loãng, không dùng kem đánh răng.
  • Trẻ từ 18 tháng tuổi đến 6 tuổi: Sử dụng kem đánh răng ít fluor dành riêng cho trẻ em (xem thành phần trên bao bì).
  • Trẻ tử 6 tuổi trở lên: Bé đã có thể dùng kem đánh răng chứa lượng fluor đủ tiêu chuẩn.

2. Nên bắt đầu tập đánh răng cho bé như thế nào?

Với lần đầu tiên dạy trẻ đánh răng, cha mẹ có thể làm theo những bước sau:

  • Đặt con ngồi lên đùi đối mặt với mẹ
  • Mẹ khum tay đỡ lấy cằm con để đầu bé đối diện với cơ thể mẹ
  • Mẹ bắt đầu chải răng cho con dọc theo nướu, chảy nhẹ nhàng theo vòng tròn và làm sạch tất cả các bề mặt răng.
  • Sau khi chải xong, mẹ khuyến khích bé nhổ hết kem đánh răng, dặn bé không nuốt kem đánh răng (mẹ có thể làm mẫu để con học theo).

Khi con đã lớn và có thể tự đánh răng được, cha mẹ cần dạy cho trẻ 7 bước đánh răng đúng cách, đồng thời khuyến khích trẻ chủ động hơn trong việc đánh răng mỗi ngày.

3. 6 cách hay khiến bé thích đánh răng

Hầu hết các bé đều chỉ có hứng thú với việc đánh răng ở 1 – 2 lần đầu, những lần sau thường sẽ không còn thích làm việc này nữa. Vì thế, cha mẹ cần phải kiên trì giúp bé tập đánh răng để tạo thói quen cho con.

Để giúp bé có thói quen tập đánh răng mỗi ngày, cha mẹ có thể áp dụng các mẹo nhỏ dưới đây:

3.1 Để bé tự lựa chọn bàn chải đánh răng

Việc để bé tự lựa chọn bàn chải đánh răng theo màu sắc và hình thù bé yêu thích sẽ giúp bé hứng thú hơn trong việc đánh răng. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến các cửa hàng hoặc siêu thị để tự chọn loại bàn chải và kem đánh răng dành cho trẻ em.

Ngoài ra, cha mẹ nên nhớ chọn loại bàn chải đánh răng mềm để tránh làm đau trẻ, khiến trẻ trở nên sợ hãi và không thích đánh răng nữa.

3.2 Chọn loại kem đánh răng

Với kem đánh răng mẹ nên hướng dẫn để bé chọn loại kem đánh răng dành riêng cho trẻ, có màu sắc và mùi thơm hấp dẫn bé. Đặc biệt sẽ ít gây hại sức khỏe hơn kem đánh răng dành cho người lớn.

3.3 Cha mẹ đánh răng cùng bé

tao-thoi-quen-be-tap-danh-rang-moi-ngay-bang-6-cach-don-gian-1-voh

Đánh răng cùng con sẽ giúp bé thích thú hơn trong việc đánh răng (Nguồn: Internet)

Đánh răng cùng nhau là cách cha mẹ giúp bé biết đánh răng đúng cách là như thế nào, vừa có thể trò chuyện, đùa vui trong lúc đánh răng, vừa giúp bé cảm thấy thích thú hơn trong việc đánh răng. Ngoài ra, mẹ có thể mở những bài hát vui vẻ để tạo hứng thú cho trẻ trong việc đánh răng.

3.4 Tìm hiểu các vấn đề sức khỏe hay tâm lý nếu trẻ lười đánh răng

Trẻ không thích đánh răng có thể do nhiều nguyên, trong đó có thể do vấn đề sức khỏe hoặc tâm lý. Chẳng hạn, bé bị nhiệt miệng, sưng lợi, răng bé đau, chảy máu khi đánh răng... sẽ khiến bé sợ hãi. Trẻ buồn, chán, cáu giận cũng làm giảm nhu cầu và hứng thú đánh răng.

Vì thế, khi thấy trẻ lười đánh răng cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục hiệu quả.

3.5 Treo tranh có hình em bé tập đánh răng và hình răng sâu

Mẹ có thể treo các bức tranh có hình một em bé đang tự đánh răng và hình ảnh những chiếc răng sâu... lên tường nhà tắm. Sau đó chỉ cho bé thấy hậu quả của việc không chịu đánh răng hàng ngày để bé tự hình thành ý thức đánh răng là việc cần phải làm hàng ngày.

3.6 Khen ngợi con

Cha mẹ đừng quên cổ vũ và dành những lời khen ngợi sau mỗi lần con hoàn thành việc đánh răng. Trước khi đi ngủ, mẹ có thể đọc cho bé nghe những câu chuyện ý nghĩa liên quan đến việc đánh răng để bé hiểu được tầm quan trọng của việc đánh răng hàng ngày.

Như vậy, quá trình bé tập đánh răng cần phải được thực hiện sớm để giúp trẻ có thể tự chăm sóc bản thân, vệ sinh răng miệng của mình. Đây cũng là một trong những kỹ năng chăm sóc sức khỏe quan trọng để giúp bé yêu có thể bảo vệ răng miệng một cách tốt nhất.

Bình luận