Bóc tách túi thai là gì, có nguy hiểm không?

Có rất nhiều thai phụ cảm thấy hoang mang và lo lắng khi được chẩn đoán bị bóc tách túi thai 5%, 10%, 15%... Vậy bóc tách túi thai là gì và có nguy hiểm đến thai nhi hay sức khỏe người mẹ hay không?

Những bất thường liên quan đến nhau thai như tình trạng bóc tách túi thai luôn là nỗi lo sợ của nhiều mẹ bầu, bởi nó có thể đe dọa đến thai nhi. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ và được phát hiện qua siêu âm.

1. Bóc tách túi thai là gì?

Bóc tách túi thai là hiện tượng có máu tụ quanh túi thai, có thể dẫn đến dọa sảy thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bóc tách túi thai xảy ra khi bánh nhau thai bị bóc tách ra khỏi niêm mạc cổ tử cung.

Bình thường, thai nhi sẽ được nhận chất dinh dưỡng từ mẹ và mẹ nhận lại chất thải từ thai nhi qua các bánh nhau, nên khi túi thai bắt đầu bị bong tách sẽ làm cản trở tuần hoàn của nhau thai.

Đối với hiện tượng bóc tách túi thai thì việc xác định kích thước của vùng bóc tách rất quan trọng. Thai thụ có thể bị bóc tách túi thai 5%, 10%, 15%, 20%.... hoặc vùng bóc tách chiếm ½ túi thai sẽ được gọi là bóc tách 50%.

Tỷ lệ bóc tách càng lớn thì khả năng sống sót của phôi thai càng thấp vì hiện tượng này làm túi thai không bám tốt vào thành tử cung, nơi mà từ đó nhau thai sẽ phát triển để cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.

boc-tach-tui-thai-la-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Bóc tách túi thai là hiện tượng thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ (Nguồn: Internet)

Trong nhiều trường hợp, bóc tách túi thai có thể bị nhầm lẫn với tình trạng phát triển tự nhiên của túi thai, vì trong những tuần đầu, túi thai còn nhỏ nên chưa lấp đầy thể tích buồng tử cung. Nhầm lẫn thường xảy ra vào khoảng tuần 7 - 9 thai kỳ. Sau tuần 12, nhầm lẫn hiếm khi xảy ra do thai đã lấp đầy tử cung.

2. Nguyên nhân bị bóc tách túi thai

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng bóc tách túi thai hiện nay vẫn chưa được xác định. Nhiều người cho rằng, thai phụ bị bóc tách túi thai là do vận động mạnh, nhưng thực tế không phải vậy bởi có những trường hợp thai đang sống, nhau phát triển tốt nhưng vẫn xảy ra hiện tượng bóc tách và dẫn đến sảy thai.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bóc tách túi thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ như:

  • Mẹ bầu có tiền sử bị nhau bong non, bóc tách túi thai trước đó.
  • Mẹ bầu bị rối loạn đông máu, cao huyết áp.
  • Bất thường về nước ối.
  • Mẹ bầu thường sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá...
  • Vùng tử cung có bất thường như bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, có sẹo ở tử cung...

3. Dấu hiệu nhận biết tình trạng bóc tách túi thai

Dấu hiệu cơ bản nhất của của tình trạng bóc tách túi thai là ra máu âm đạo. Khi có dấu hiệu này, thai phụ nên đi siêu âm, có thể sẽ phát hiện khối máu tụ nằm phía sau nhau thai. Đây là đặc điểm để xác định tình trạng bong tách của túi thai.

Ngoài ra, bóc tách túi thai cũng có thể gây ra hiện tượng đau bụng, mẹ bầu sẽ bị đau bụng dưới hoặc đau lưng, có thể bị đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn.

Lưu ý: Trường hợp thai phụ không ra máu âm đạo nhưng được chẩn đoán bị bóc tách túi thai là không chính xác. Bởi ngoài hiện tượng bóc tách túi thai, tình trạng chảy máu âm đạo hay đau bụng khi mang thai cũng có thể được gây ra bởi nhiều vấn đề khác như: bất thường ở nhau thai, bất thường ở tử cung…

4. Bóc tách túi thai có nguy hiểm không?

Thai càng lớn, tỷ lệ bóc tách càng nhiều thì nguy cơ cho cả mẹ và bé càng cao. Các sản phụ thường thắc mắc tỷ lệ bong tách 5%, 10%, 20%, 30% là như thế nào? Bác sĩ cho biết, tỷ lệ bóc tách túi thai ít và được điều trị kịp thời, khả năng giữ được thai sẽ càng cao hơn.

boc-tach-tui-thai-la-gi-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Bóc tách túi thai 10% khả năng thai dưỡng thai an toàn là khá cao (Nguồn: Internet)

  • Bóc tách túi thai 10% khả năng dưỡng thai là khá cao. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Khi bóc tách túi thai 30% ở 3 tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ sảy thai là 50%.
  • Bóc tách túi thai trên 50% trở lên thì rất khó giữ được thai.

5. Bóc tách túi thai điều trị như thế nào?

Khi đã phát hiện thai phụ bị bóc tách túi thai, bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp điều trị phù hợp nhất đối với bà bầu. Việc điều trị này được dựa trên tình trạng sức khỏe của thai phụ và tỷ lệ bóc tách túi thai.

Trong nhiều trường hợp, túi thai bị bóc tách nhiều (trên 50%) thì thai phụ cần trao đổi kỹ với bác sĩ để cân nhắc, xem xét khả năng sống sót của phôi thai, từ đó quyết định nên tiếp tục theo dõi, xử lý hay đình chỉ thai kỳ.

Những trường hợp tỷ lệ bóc tách túi thai ít, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc an thai, dưỡng thai. Mẹ cần tuân thủ uống đúng liều dùng theo hướng dẫn sử dụng.

Ngoài ra, trong thời gian điều trị cần kiêng quan hệ vợ chồng để tránh những ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của túi thai.

6. Bị bóc tách túi thai nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi của thai phụ khi bị bóc tách túi thai là điều rất quan trọng. Một số lưu ý dành cho thai phụ khi bị bóc tách túi thai là:

  • Sau khi điều trị, thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều, có thể nằm nghiêng hoặc ngửa, hạn chế đi lại. Nên để tinh thần được thư giãn, thoải mái, tránh căng thẳng lo âu.
  • Thai phụ nên ăn ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt nên ăn các thực phẩm dễ tiêu, loãng để tránh tiêu chảy, táo bón.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, từ 1.5 – 2 lít nước.
  • Không nên làm việc nhiều, mang vác hoặc bưng bê các vật nặng, leo cầu thang.
  • Thai phụ lưu ý việc nghỉ ngơi, uống thuốc điều đặn để đảm bảo tình trạng bóc tách túi thai không tiếp tục tiến triển. Đặc biệt, nên đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ.

Bóc tách túi thai có thể chỉ là một tình trạng tạm thời, nếu được phát hiện xử lý đúng cách thì thai nhi vẫn sẽ phát triển bình thường và ra đời không gặp khó khăn nào. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ bầu có được những kiến thức hữu ích trong việc hiểu rõ về nguyên nhân, biểu hiện và điều trị khi bị bóc tách túi thai.

Bình luận