Học cách cho con bú sữa mẹ qua từng tư thế

(VOH) – Có thể nói, việc cho bé bú được thực hiện theo bản năng của người mẹ. Tuy nhiên, cách cho con bú như thế nào là đúng, để con không bị sặc... thì không phải người mẹ nào cũng biết rõ.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các hội đồng nhi khoa khuyến cáo, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bởi sữa mẹ sẽ cung cấp cho trẻ rất nhiều dưỡng chất gồm các axit béo hòa tan, đạm, muối khoáng, đường lactose, các vitamin A, B, C,...

Ngoài ra, sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp trẻ có thể tránh được rất nhiều bệnh tật. Và để cho bé có thể hấp thu được hoàn toàn những dưỡng chất quý giá này mẹ cần biết cách cho con bú đúng cách.

1. Cho con bú đúng cách là như thế nào?

Trên thực tế, theo bản năng, người mẹ nào cũng sẽ biết cách cho bé bú. Thế nhưng không phải người mẹ nào cũng biết cách cho con bú đúng là như thế nào. Với những ai mới làm mẹ lần đầu thì đó là cả quá trình mà mẹ cần phải học:

  • Giữ trẻ: Mẹ đỡ trẻ để bé hoàn toàn hướng mặt về phía mẹ. Sau đó, nâng cằm bé chạm vào ngực, mũi không bị chặn và đầu hơi ngả về phía sau.
  • Khuyến khích trẻ há miệng: Áp cằm bé vào ngực, chà xát môi trên và mũi của bé bằng đầu ti để khuyến khích trẻ mở rộng miệng.
  • Ngậm ti: Khi trẻ đã mở rộng miệng, mẹ sẽ hướng núm ti về vòm miệng. Bé sẽ ngậm núm và phần lớn nhũ hoa (phần sẫm màu quanh núm vú) vào trong miệng. Lưu ý, một em bé bú đúng tư thế là bé sẽ ngậm hết phần đầu ti tới quầng vú mẹ.
  • Theo dõi lực mút của con: Trong khi bé bú, mẹ vẫn có thể nhận thấy được những thay đổi ở lực mút của bé: mút ngắn, nhanh hay mút chậm, sâu. Bé có thể tạm dừng một vài lần trong khi ti mẹ và tiếp tục mút lại mà mẹ không cần dỗ bé.
  • Kết thúc quá trình cho bú: Khi trẻ bú no sẽ tự ngưng bú và nhả ra.

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-voh

Bé bú đúng tư thế là bé sẽ ngậm hết phần đầu ti tới quầng vú mẹ (Nguồn: Internet)

2. Các tư thế giúp cho con bú đúng cách

Dưới đây là 5 tư thế giúp mẹ cho con bú dễ dàng, giảm các nguy cơ hóc sặc, đầy hơi....

2.1 Tư thế bú kiểu vòng tay hình nôi

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-1voh

Tư thế cho bé bú kiểu vòng tay hình nôi (Nguồn: Internet)

Mỗi cữ bú có thể kéo dài đến 30 phút, do đó mẹ nên chọn một chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái ở trên giường hoặc ghế ngồi.
Thực hiện:

  • Bế con nằm ôm vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung vững chắc.
  • Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé.
  • Đảm bảo 3 điểm: Đầu – lưng – mông bé nằm trên một đường thẳng và bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ.

Rất nhiều mẹ thường cho bé nằm ở tư thế ngửa và chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ. Đây là một tư thế sai vì điều này sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé.

2.2 Tư thế ôm con với cánh tay đối diện

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-3-voh

Tư thế cho bé bú với cánh tay đối diện (Nguồn: Internet)

Tư thế này cũng là tư thế bế hình nôi nhưng chỉ khác một chút là cánh tay đỡ bé lại là cánh tay ngược với bầu vú bé đang bú. 

Thực hiện:

  • Ngược lại với tư thế bế kiểu vòng tay hình nôi, nếu mẹ cho bé bú vú bên trái thì dùng tay phải để bế con, còn nếu cho bé bú bên phải thì dùng tay trái để bế con. Tay còn lại sẽ giữ phần đầu bé.
  • Để mặt con đối diện với bầu ngực mẹ, bụng con áp vào bụng mẹ và bắt đầu cho bé ngậm núm ti.

Tư thế bú này sẽ hiệu quả hơn đối với trẻ sơ sinh và những trẻ gặp vấn đề với giấc ngủ.

2.3 Tư thế ôm bóng

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-4-voh

Ttư thế cho bé bú kiểu ôm bóng (Nguồn: Internet)

Đây là tư thế mà mẹ sẽ bế bé dưới cánh tay (cùng bên mà mẹ đang chăm sóc) như một quả bóng hay túi xách.

Thực hiện:

  • Mẹ đặt bé nằm ngửa trên một chiếc gối hoặc đệm ở bên trái hoặc bên phải mẹ, sao cho đầu con ngang tầm với núm vú.
  • Nếu bé bú bên trái thì mẹ dùng bàn tay trái đỡ đầu và gáy của con. Ngược lại bé bú bên phải thì mẹ dùng bàn tay phải đỡ đầu và gáy của con.
  • Để con ngậm núm vú.

Mẹ có thể lựa chọn tư thế ôm bé sao cho cảm thấy thoải mái, thuận tiện nhất và phải đảm bảo tư thế 3 điểm thẳng hàng (đầu – lưng – mông) và trẻ nằm nghiêng về hướng mẹ, bụng chạm bụng và mặt chạm ngực.

2.4 Tư thế nằm cho bé bú

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-5-voh

Tư thế nằm cho bé bú (Nguồn: Internet)

Nếu không đủ sức khỏe để ngồi, mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú.

Thực hiện:

  • Mẹ nằm nghiêng, có thể kê gối ở đùi và đầu gối.
  • Để bé nằm quay mặt vào bầu vú mẹ để ngậm vú mẹ.
  • Mẹ có thể dùng tay đỡ đầu bé để bé bú mẹ dễ hơn.

Khi cho bé bú ở tư thế nằm mẹ nên cho đầu bé nằm cao hơn thân người để hạn chế sữa mẹ trào bị trào ngược. Ngoài ra, mẹ cũng nên tập ngồi dậy và đi lại sớm sau sinh để khí huyết lưu thông, giúp mau hồi phục sức khỏe và sớm cho bé bú ở tư thế ngồi.

2.5 Tư thế cho bú song song

hoc-cach-cho-con-bu-sua-me-qua-tung-tu-the-6-voh

Tư thế cho 2 bé bú cùng lúc (Nguồn: Internet)

Tư thế này áp dụng cho trường hợp mẹ có hai bé song sinh. Hai bé bú cùng lúc hai bên sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa mẹ, vì khi một bé bú bên này, sữa ở bầu ngực bên kia cũng chảy theo.
Thực hiện:

  • Đặt 2 bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ.
  • Để tránh mỏi tay và nâng đỡ người bé, mẹ có thể dùng khăn hoặc gối chữ U lót ở dưới. Nhưng không được đặt bé tựa hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú sữa được.
  • Tuy sinh đôi nhưng sẽ có bé bú mạnh, bé bú yếu. Bé yếu hơn trong việc ngậm vú mẹ, vì thế mẹ nên cho bé bú trước, sau khi ổn định bé này thì cho bé bú mạnh hơn bú.
  • Thay đổi vị trí qua lại cho 2 bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.

Trong thời gian cho con bú mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống của mình để sữa mẹ mát con khỏe mạnh. Thực đơn cần đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin - khoáng chất và cần uống đủ nước mỗi ngày.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại gối, đệm chuyên dụng hỗ trợ tư thế cho bé bú được thuận tiện hơn, giúp mẹ giảm đau lưng hoặc mỏi tay, chân khi cho con bú.

Chăm con là một quá trình không hề dễ dàng nhưng nếu mẹ biết cách cho con bú đúng cách sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Đây cũng là cách chăm sóc giúp cho bé khỏe và gần gũi hơn với mẹ mình.

Bình luận