Chích ngừa trước khi mang thai đúng cách để tránh phí tiền mà không hiệu quả

( VOH ) - Chích ngừa trước khi mang thai không chỉ giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh mà còn an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, chị em chỉ nên tiêm ngừa các loại vắc - xin cần thiết để tránh lãng phí.

Để sinh ra một đứa con khỏe mạnh, người mẹ phải thật sự khỏe mạnh cả trước và trong suốt thai kỳ. Vì thế, việc chích ngừa trước khi mang thai là hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé. Vậy trước khi mang thai, chị em phụ nữ cần chích ngừa những loại vắc-xin nào và thời gian chích ngừa là khi nào cho phù hợp?

1. Tại sao cần phải tiêm phòng trước khi mang thai?

Các bác sĩ chuyên khoa sản phụ luôn khuyên chị em phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm chích ngừa đầy đủ, bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể khi mang thai sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh cũng vì vậy mà tăng lên. Do đó, tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và thai nhi khỏi những nguy hiểm.

Ngoài ra, một số loại vắc-xin còn có khả năng giúp bé tăng cường sức đề kháng ngay từ trong bụng mẹ.

chich-ngua-truoc-khi-mang-thai-dung-cach-de-tranh-phi-tien-ma-khong-hieu-qua-voh-1

Chích ngừa trước khi mang thai để bảo vệ mẹ và bé trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Thực tế, vắc-xin có thể được chế tạo từ virus sống, virus chết hoặc từ những độc tố của vi khuẩn đã được giảm động lực. Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin được chế tạo từ virus còn sống vì những nguy cơ dù nhỏ cũng có thể gây hại cho thai nhi.

2. Khi nào cần tiêm phòng trước khi mang thai?

Trước khi tiêm phòng chị em luôn được yêu cầu làm xét nghiệm máu để đánh giá lượng kháng thể và khả năng miễn dịch với từng loại bệnh. Dựa trên tình hình sức khỏe mà bác sĩ sẽ tư vấn chị em nên tiêm bao nhiêu loại vắc-xin và tiêm trước khi mang thai bao lâu.

Có những loại vắc-xin yêu cầu cần tiêm trước khi mang thai 1 tháng như thủy đậu, có những loại yêu cầu 3 tháng nhưng cũng có những loại có thể yêu cầu tiêm trong thai kỳ,…

3. Trước khi mang thai cần chích ngừa những loại vắc – xin nào?

Dưới đây là 4 loại vắc-xin mà chị em nên tiêm phòng trước khi mang thai:

3.1 Tiêm phòng sởi, quai bị, Rubella trước khi mang thai

  • Tiêm phòng sởi:

Nếu mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi sẽ rất cao. Ngoài ra, bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.

  • Tiêm phòng quai bị:

Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi càng cao nếu mẹ nhiễm bệnh ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.

  • Tiêm phòng Rubella:

Khoảng 90% các trường hợp nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng khi bé được sinh ra.

Lưu ý: Hiện nay, đã có mũi tiêm tổng hợp phòng ngừa sởi, quai bị và Rubella, đó là vắc-xin 3 trong 1 (MMR) rất hiệu quả và an toàn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ 90 – 95%. Chị em có thể chủ động tiêm phòng trước khi mang thai với vắc-xin này để phòng bệnh nhé.

3.2 Tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai

Đây là vắc-xin không thể bỏ qua nếu có ý định tiêm phòng trước khi mang thai, vì phụ nữ mang thai bị thủy đậu chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong các trường hợp mắc thủy đậu thông thường.

Đã từng bị thủy đậu hay may mắn thoát khỏi căn bệnh này lúc nhỏ thì không có nghĩa là bạn hoàn toàn miễn dịch. Thậm chí, nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn cũng nên tiêm phòng thêm một mũi tăng cường.

Giống như MMR, chị em cũng nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất khoảng 1 tháng.

3.3 Tiêm phòng viêm gan siêu vi B trước khi mang thai

Viêm gan siêu vi B do virus gây ra và có thể lây truyền dễ dàng thông qua máu hay dịch cơ thể. Điều này đồng nghĩa thai nhi sẽ dễ dàng nhiễm bệnh nếu mẹ không tiêm phòng. Do vậy, không chỉ người mẹ mang bầu cần tiêm chủng mà cả người chồng cũng cần tiêm phòng viêm gan siêu vi B.

Chị em và chồng mình có thể tiêm phòng viêm gan siêu vi B trước khi mang thai 3 tháng.

chich-ngua-truoc-khi-mang-thai-dung-cach-de-tranh-phi-tien-ma-khong-hieu-qua-voh-2

Trước khi mang thai, cả vợ và chồng nên đi chích ngừa viêm gan siêu vi B (Nguồn: Internet)

3.4 Tiêm phòng cúm trước khi mang thai

Trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bầu mắc phải những cơn cúm kéo dài sẽ dẫn đến khả năng thai nhi dị tật bẩm sinh.

Triệu chứng của cảm cúm gây khó chịu như hắt hơi, sổ mũi đau đầu, rát họng,…ảnh hưởng đến thai nhi nhưng lại không thể dùng thuốc để điều trị. Do đó, chị em nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai để đảm bảo an toàn.

Chích ngừa cúm có thể thực hiện trước khi mang thai khoảng 3 tháng.

>>> Cách chữa trị bệnh thủy đậu không để lại sẹo

4. Những lưu ý cần biết khi tiêm phòng trước khi mang thai

Để mang lại hiệu quả và an toàn khi tiêm phòng, chị em cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Tìm hiểu kỹ khoảng thời gian quy định cho từng mũi chích ngừa. Có độ cách giãn trước khi mang thai hợp lý. Đa số các mũi tiêm cần thực hiện trước khi thụ thai khoảng 3 – 6 tháng.
  • Nếu đang trong thời gian tiêm phòng mà phát hiện có thai thì chị em cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn càng sớm càng tốt.
  • Nếu đã có kế hoạch sinh con trong năm thì chị em nên tiêm phòng ngay, không nên trì hoãn đến lúc chuẩn bị mang thai mới tiêm.
  • Sau khi tiêm phòng cần ở lại phòng tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi các dấu hiệu biến chứng sốc thuốc có thể xảy ra.
  • Khi đang có triệu chứng cảm, sốt, các bệnh về khớp, thận,…thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tiêm phòng.

Qua những thông tin chia sẻ trên đây, hy vọng rằng các chị em phụ nữ đã có kế hoạch sinh con sẽ trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm về chích ngừa trước khi mang thai để chăm sóc thật tốt cho mình và bé trong thai kỳ.

Bình luận