Chụp tử cung vòi trứng là gì và có gây hại cho sức khỏe không?

( VOH ) - Chụp tử cung vòi trứng là phương tiện chẩn đoán hình ảnh để quan sát bên trong tử cung, vòi trứng. Kỹ thuật này thường được tiến hành ở những phụ nữ gặp khó khăn trong việc có con.

1. Chụp tử cung vòi trứng là gì?

Chụp tử cung vòi trứng là một xét nghiệm X-quang đặc biệt dùng để kiểm tra sự thông thoáng của buồng tử cung và 2 vòi trứng.

Trong quá trình chụp, chất cản quang (chất nhuộm) sẽ được đưa vào để làm đầy tử cung và ống dẫn trứng thông qua một ống mỏng. Ống mỏng này đi qua âm đạo để vào tử cung và vì tử cung được nối với ống dẫn trứng nên chất cản quang cũng sẽ chảy vào ống dẫn trứng

Sau đó, bác sĩ sẽ chụp hình bằng cách sử dụng chùm tia X khi chất cản quang đi qua tử cung và vòi trứng. Hình chụp được sẽ cho thấy các vấn đề ở bên trong tử cung như bị chấn thương hay có bất thường về cấu trúc tử cung, vòi trứng hoặc có những chỗ tắc nghẽn làm ngăn cản trứng đi đến tử cung.

Ngoài ra, chụp X quang tử cung vòi trứng còn giúp tìm ra được các vấn đề của tử cung gây cản trở việc trứng đã thụ tinh làm tổ trong thành tử cung.

1.1 Tại sao cần chụp tử cung vòi trứng?

Chụp tử cung vòi trứng có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân vô sinh ở phụ nữ. Chính vì thế, những chị em phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc mang thai hoặc từng có các vấn đề trong thai kỳ như sảy thai nhiều lần thì có thể tiến hành xét nghiệm này.

chup-tu-cung-voi-trung-la-gi-va-co-gay-hai-cho-suc-khoe-khong-voh

Chụp tử cung vòi trứng giúp kiểm tra các vấn đề bên trong tử cung phụ nữ (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, phụ nữ từng được phẫu thuật vòi trứng có thể thực hiện chụp vòi trứng tử cung để kiểm tra xem phẫu thuật có thành công hay không. Những người phụ nữ đã được thắt ống dẫn trứng (thủ thuật làm đóng vòi trứng) thì bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp vòi trứng tử cung để đảm bảo vòi trứng đã được đóng kín.

1.2 Có thể chụp tử cung vòi trứng khi nào?

Phụ nữ có thể thực hiện chụp vòi trứng vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau khi hết kỳ kinh nguyệt hoặc trước ngày rụng trứng để đảm bảo cơ thể phụ nữ không mang thai trong lúc làm xét nghiệm.

Ngoài ra, thủ thuật này cũng sẽ không được thực hiện nếu chị em đang bị nhiễm trùng vùng chậu hoặc mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, sùi mào gà, chlamydia... Những phụ nữ đang điều trị bệnh tiểu đường hoặc có tiền sử bệnh tiểu đường, bệnh thận... cũng không nên thực hiện chụp tử cung vòi trứng.

Trước khi tiến hành thủ thật, nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng hoặc nếu cơ thể bị dị ứng, đặc biệt là với những chất cản quang chứa idol. Đồng thời cũng nên nói với bác sĩ về tình trạng bệnh lý gần đây chị em đang mắc phải.

2. Quy trình chụp tử cung vòi trứng như thế nào?

Thông thường chụp X-quang vòi trứng sẽ được thực hiện bởi một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong phòng X-quang của bệnh viện hay phòng khám. Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng sẽ là những người giúp hỗ trợ bác sĩ trong lúc làm thủ thuật.

Trước khi thực hiện chụp tử cung vòi trứng, bác sĩ sẽ cho chị em uống thuốc an thần để giúp thư giãn và làm giãn cơ tử cung để tránh tình trạng tử cung co thắt trong lúc làm xét nghiệm. Sau đó sẽ bắt đầu thực hiện quy trình chụp vòi trứng tử cung:

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ làm rỗng bàng quang người bệnh, sau đó để người bệnh nằm ngửa trên bàn khám với 2 chân nâng cao, để trên giá đỡ. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể quan sát vùng kín được dễ dàng.

chup-tu-cung-voi-trung-la-gi-va-co-gay-hai-cho-suc-khoe-khong-1-voh

Quy trình chụp tử cung vòi trứng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa (Nguồn: Internet)

  • Tiếp theo, bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt mềm, cong vào trong âm đạo để làm căng thành âm đạo, cho phép bác sĩ quan sát được bên trong âm đạo và cổ tử cung của phụ nữ. Lúc này, cổ tử cung có thể được cố định bằng kẹp giữ tử cung.
  • Bước kế tiếp bác sĩ sẽ rửa cổ tử cung bằng một loại xà phòng đặc biệt và đưa ống cứng (cannula) hoặc ống mềm (catheter) thông qua đó để vào tử cung. Chất cản quang sẽ được bơm qua ống này.
  • Hình ảnh X-quang sẽ được truyền lên màn hình tivi để bác sĩ theo dõi. Nếu vòi trứng còn thông, chất cản quang sẽ chảy qua đó để vào ổ bụng, nếu vòi trứng bị bít tắc, chất cản quang sẽ không thể qua được.
  • Sau khi quan sát xong, tất cả các dụng cụ xét nghiệm như cannula hoặc catheter và mỏ vịt sẽ được rút ra. Xét nghiệm chụp vòi trứng tử cung thường kéo dài từ 15 – 30 phút.

3. Hướng dẫn đọc kết quả

Sau khi có kết quả, bác sĩ thông thông báo tình trạng cơ thể phụ nữ như sau:

3.1 Kết quả bình thường

Hình dạng tử cung và vòi trứng bình thường. Vòi trứng không bị sẹo hoặc tổn thương. Chất cản quang chảy tự do từ tử cung qua vòi trứng và đổ vào ổ bụng một cách bình thường.

Không phát hiện vật thể (ví dụ vòng tránh thai), khối u hoặc khối tăng sinh trong tử cung.

3.2 Kết quả bất thường

Vòi trứng có thể bị dị dạng, bị sẹo hoặc bị tắc nghẽn khiến chất cản quang không chảy qua vòi và đổ vào ổ bụng. Nguyên nhân có thể là do bệnh viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung,...

Chất cản quang có thể rò xuyên qua thành tử cung, điều này cho thấy tử cung có thể bị rách hoặc bị thủng.

Tử cung bất thường có phần mô chia đôi tử cung.

Tử cung xuất hiện các khối tăng sinh như polyp hay u xơ.

4. Chụp tử cung vòi trứng có ảnh hưởng gì không?

Chụp vòi trứng là một kỹ thuật giúp chẩn đoán những bất thường trong tử cung nên không làm ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thủ thuật, một phần chất cản quang sẽ chảy ra khỏi âm đạo và có thể gây chảy máu âm đạo trong vài ngày sau đó.

Đặc biệt, nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu sau đây thì chị em cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Chảy máu âm đạo nặng (thấm ướt nhiều hơn 1 miếng băng vệ sinh trong vòng 1 giờ).
  • Bị sốt.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Chảy máu âm đạo kéo dài hơn 3 đến 4 ngày.

Nói chung, chụp tử cung vòi trứng là bước quan trọng giúp đánh giá tình trạng tử cung, vòi trứng, ống dẫn trứng của phụ nữ khi muốn mang thai. Tuy nhiên, khi muốn làm thủ thuật này chị em nên thực hiện dưới sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn và tránh được các tai biến có thể xảy ra.

Bình luận