Đo thính lực trẻ sơ sinh – Cách tầm soát khiếm thính tốt nhất cho trẻ

Trẻ nhỏ thường phản ứng rất tốt với những tiếng động, tuy nhiên có những bé vừa sinh ra đã không nghe được, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời của trẻ.

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có khoảng 4 – 5 trẻ bị giảm thính lực 1 bên tai hoặc thậm chí cả 2 tai. Vậy cha mẹ cần làm gì để có thể tầm soát thính lực của trẻ giai đoạn sớm, trẻ bị giảm thính lực cha mẹ cần xử lý thế nào mới là tốt nhất... ?

Nội dung cuộc trò chuyện với Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc về Chủ đề: Cách đo thính lực cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu được rõ hơn những vấn đề trên, từ đó có thể giải quyết một cách tốt nhất.

1. Tại sao phải tầm soát khiếm thính sớm cho trẻ?

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, thính giác là một trong những cơ quan phát triển tương đối đầy đủ ngay từ trong bụng mẹ. Khi trẻ sinh ra hệ thống thính giác đã hoàn thiện. Trong đó, tai có chức năng dùng để nghe, thanh quản dùng để phát âm và 2 bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau.

Bản chất của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã được nghe, nếu trẻ không nghe được thì dù thanh quản bình thường thì trẻ vẫn không thể nói được. Đó cũng là lý do vì sao cha mẹ cần nên đo thính lực cho trẻ sơ sinh để có thể can thiệp sớm cho bé trước khi quá trễ.

1.1 Thời điểm kiểm tra tính lực tốt nhất cho trẻ

Theo bác sĩ Phượng, thông thường thời điểm kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh tốt nhất là trong khoảng thời gian từ 1 – 5 tuần tuổi sau sinh và nên được thực hiện trước khi bé xuất viện về nhà.

Cha mẹ không nên chần chừ việc đo thính lực trẻ sơ sinh và không để việc tầm soát thính lực khi trẻ đã quá 3 tháng tuổi, bởi lúc này việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ thính lực cho trẻ sẽ không còn hiệu quả.

Bác sĩ Phượng cũng cho biết thêm, sẽ có những trẻ không được đo thính thực ở giai đoạn sau sinh (1 – 5 tuần tuổi). Tuy nhiên, các mẹ cũng có thể chủ động đưa bé đi tầm soát khiếm thính nếu như thuộc vào những nhóm đối tượng sau đây:

  • Những trẻ sinh ra bị bệnh vàng da hay có các dị tật ở vùng mặt.
  • Trẻ được sinh ra từ những mẹ đã từng bị sảy thai nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Mẹ bị nhiễm Rubella.
  • Bé có dị dạng ở vành tai như: 2 bên vành tai không đồng đều, hình dạng tai không giống những bé khác (vành tai nhỏ, vành tai không tròn đều)…

1.2 Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giảm thính lực ở trẻ?

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, bên cạnh việc trẻ bị giảm thính lực do bẩm sinh thì có rất nhiều nguyên nhân khiến bé gặp phải tình trạng này như:

  • Một số bệnh lý thường gặp như: viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm màng não… có thể gây thủng màng nhĩ và làm giảm thính lực của trẻ.

voh.com.vn-cach-giup-tam-soat-giam-thinh-luc-tot-nhat-cho-be-giai-doan-dau-me-nao-cung-nen-biet-0

Viêm tai giữa là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến giải thị lực ở trẻ (Nguồn: Internet)

  • Do bé dùng một số loại kháng sinh chích trong thời gian dài, liều cao.
  • Nếu trẻ sơ sinh bị bệnh vàng da thì chất bilirubin (chất gây hiện tượng vàng da) có thể ngấm vào não và gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên quan đến thính giác, từ đó làm giảm thính lực.

1.3 Những dấu hiệu giúp nhận thấy trẻ bị mất thính lực

Bác sĩ Phượng cho biết, đối với tình trạng giảm thính lực ở trẻ nói chung, các bác sĩ đã chia thành 4 mức độ cơ bản:

  • Mức độ nhẹ: Là khi âm thanh phát ra người bị giảm thính lực sẽ nghe được âm thanh nhỏ hơn so với người bình thường.
  • Mức độ trung bình: Người bị giảm thính lực khi nói chuyện sẽ nói với cường độ âm thannh lớn hơn.
  • Mức độ nặng: Người giảm thính lực sẽ không nghe rõ âm thanh xung quanh. Chỉ nghe được những âm thanh lớn nhưng tiếng chuông điện thoại,…
  • Mức độ giãn sâu: Chỉ nghe được những âm thanh phát ra rất lớn như tiếng còi tàu, tiếng cắt bê tông…

Với những trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dấu hiệu giúp nhận biết trẻ đang bị giảm thính lực thường rất khó để cha mẹ có thể phát hiện. Do đó, cha mẹ cần chủ động đo thính lực cho trẻ để giúp bé tầm soát bệnh tốt hơn.

 2. Đo thính lực cho trẻ sơ sinh được thực hiện như thế nào ? 

Đối với những trẻ đang gặp các vấn đề về thính lực thì cha mẹ có thể tiến hành việc đo thính lực cho trẻ tại nhà trước. Bác sĩ Phượng cho biết, hiện nay có khá nhiều biện pháp giúp tầm soát khiếm thính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, có 2 biện pháp được áp dụng rộng rãi chính là:

2.1 Đo điện âm ốc tai

Biện pháp đo điện âm ốc tai được thực hiện bằng một thiết bị điện tử gắn vào tai trẻ. Khi có âm thanh từ ngoài tác động vào ốc tai, nó sẽ có phản ứng bằng cách phát ra những âm thanh rất nhỏ, âm thanh này do sự rung động của những tế bào lông ở bên trong ốc tai tạo thành (âm ốc tai).

Sự rung động này có tác dụng khuyếch đại giúp cho ốc tai có thể nhận biết rõ âm thanh. Đánh giá chức năng tế bào lông ngoài của ốc tai để cha mẹ có thể phát hiện khiếm thính ở trẻ sơ sinh.

Phép đo này có thể phát hiện tắc nghẽn trong ống tai ngoài, cũng như dịch trong tai giữa và các hư hại của tế bào lông trong ốc tai.

voh.com.vn-cach-giup-tam-soat-giam-thinh-luc-tot-nhat-cho-be-giai-doan-dau-me-nao-cung-nen-biet-1

Cha mẹ có thể tự đo thính lực cho trẻ tại nhà trước (Nguồn: Internet)

2.2 Đo điện thính giác thân não

Phương pháp này sử dụng các điện cực được dán ở trán, vùng xương chũm và vùng sau gáy của trẻ, tất cả các điện cực sẽ được nối với 1 máy tính. Tín hiệu âm thanh được truyền qua tai nghe (insert phone), máy tính sẽ thu lại sự đáp ứng với âm thanh của não dưới dạng các sóng.

Ưu điểm của 2 phương pháp này chính là:

  • Thời gian thực hiện cả 2 phương pháp này tương đối nhanh và không gây đau cho trẻ.
  • Có thể kiểm tra được cả 2 bên tai của trẻ và có kết quả sau khoảng 10 phút.

Kết quả đo được sẽ cho thấy khả năng nghe của bé là bình thường hay bất thường.

Nếu là bình thường thì cha mẹ có thể an tâm, tuy nhiên, trong trường hợp khả năng nghe của bé diễn ra bất thường (có thể là bên tai hoặc cả 2 bên tai) thì cha mẹ có thể thực hiện lại việc kiểm tra thính lực của bé sau 4 tuần, trước khi kiểm tra lần 2 cần vệ sinh sạch sẽ ống tai ngoài cho trẻ để đảm kết quả không bị ảnh hưởng từ ráy tai hay chảy mủ bên trong tai.

Ở lần đo thứ 2 nếu bé vẫn không thể đáp ứng được những âm thanh ở 1 hoặc 2 bên tai thì cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám chính xác.

Lưu ý: Để có được kết quả chính xác nhất trong quá trình đo thính lực cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Lựa chọn nơi thực hiện đo thính lực phải đảm bảo được yếu tố yên tĩnh, không tiếng ồn.
  • Nên đo thính lực trong lúc trẻ đang ngủ.

3. Những biện pháp xử lý khi trẻ bị giảm thính lực

Khi cha mẹ thực hiện việc tầm soát khiếm thính ở trẻ, nếu có những nghi ngờ trẻ bị giảm thính lực thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác, từ đó mới có thể xác định được hướng điều trị đúng đắn nhất cho trẻ.

Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị các bệnh lý thính lực là:

3.1 Sử dụng máy trợ thính

Đây là một thiết bị dùng để khuếch đại âm thanh và xử lý âm thanh để những em bé bị giảm thính lực nhưng vẫn có thể nghe được.

Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ việc lựa chọn máy trợ thính cũng rất quan trọng và cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường, sau khi cha mẹ thực hiện việc tầm soát thính lực cho trẻ thì các bác sĩ vẫn phải thăm khám chuyên sâu hơn để xem xét bé có thật sự bị giảm thính lực hay không.

Các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một nghiệm pháp đo thính giác vỏ não cùng với các thính lực đồ để xác định các loại sóng, tần số hay cao độ của âm thanh mà em bé có thể nghe thấy được. Dựa vào tất cả các yếu tố liên quan các bác sĩ mới có thể đưa ra một một kết luận cuối cùng rằng loại máy trợ thính nào sẽ phù hợp với trẻ.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn kích thước máy trợ thính cũng vô cùng quan trọng bởi nó phải phù hợp với vành tai của trẻ thì việc nghe âm thanh của bé mới có hiệu quả.

voh.com.vn-cach-giup-tam-soat-giam-thinh-luc-tot-nhat-cho-be-giai-doan-dau-me-nao-cung-nen-biet-2

Máy trợ thính là một trong những biện pháp được áp dụng cho trẻ bị giảm thính lực (Nguồn: Internet)

3.2 Cấy ốc tai điện tử

Được dùng với những trường hợp ốc tai trong của trẻ bị hư và dù sử dụng máy trợ thính thì bé cũng không nghe được.

Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại với thiết bị đưa thẳng vào bên trong ốc tai người bệnh. Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.

Dù là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng phương pháp cấy ốc tai điện tử hiện nay vẫn là vấn đề gây khó khăn cho không ít gia đình bởi giá thành khá đắt.

Bên cạnh đó, quá trình cấy ốc tai điện tử đòi hỏi phải là những bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng có kinh nghiệm và được huấn luyện chuyên sâu mới có thể thực hiện việc điều trị.

4. Để tránh tình trạng giảm thính lực ở trẻ, cha mẹ cần quan tâm điều gì ?

Một trong những nguyên nhân điển hình nhất khiến trẻ bị mất thính chính là bệnh viêm tai giữa (chảy mủ tai). Cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa một phần căn bệnh này bằng cách cho trẻ đi chích ngừa phế cầu (vi khuẩn gây viêm tai giữa).

Khi em bé được khoảng từ 2 – 4 tháng thì cha mẹ có thể đưa bé chính ngừa viêm tai giữa. Việc làm này sẽ giúp bé giảm được tần suất bé bị viêm tai giữa cho tới khi được 5 tuổi.

Trên đây là những chia sẻ từ Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc về những vấn đề về liên quan đến thính lực ở trẻ cũng như việc cha mẹ nên tiến hành kiểm soát, tầm soát khiếm thính cho con càng sớm càng tốt.

Để nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Cam Ngọc Phượng, bạn có thể nghe tại audio bên dưới:

 

Bình luận