Nguyên nhân khiến mẹ bầu khó thở khi mang thai và cách khắc phục

( VOH ) - Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ có rất nhiều sự thay đổi so với lúc bình thường như thèm ăn, buồn nôn… và có cả biểu hiện khó thở. Vậy khó thở khi mang thai thì có nguy hiểm không ?

Có rất nhiều mẹ bầu gặp phải hiện tượng khó thở khi mang thai, thông thường chị em sẽ cảm thấy khó thở khi mang thai tháng thứ 4, thứ 5, thứ 6… và nhiều nhất là ở giai đoạn cuối thai kỳ.

1. Vì sao mẹ bầu bị khó thở khi mang thai?

Có rất nhiều lý do khiến cho các bà bầu bị khó thở khi mang thai. Đôi khi chỉ do quần áo chật chội hoặc chị em đang cố chống lại cơn buồn ngủ đang kéo đến cũng có thể khiến thai phụ có cảm giác bị khó thở.

Tuy nhiên, phần lớn chị em có cảm giác khó thở khi mang thai kèm theo các triệu chứng tức bụng, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn… là do khi mang thai người mẹ cần nhiều oxy hơn và thở nhanh là một trong những cách để oxy vào cơ thể.

Khi hormone bắt đầu tăng cao, đặc biệt là progesterone sẽ gây ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp. Kết quả là nhịp thở của người mẹ trở nên khó khăn và gấp gáp hơn.

Ngoài ra, khi tử cung phát triển cũng sẽ gây áp lực lên cơ hoành, khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở hơn. Đặc biệt, những chị em nào có đã và đang mắc phải các bệnh hen suyễn, thiếu máu hoặc cao huyết áp thì hiện tượng khó thở khi mang thai có thể khiến bệnh càng trầm trọng thêm.

2. Triệu chứng khó thở khi mang thai có phải bất thường?

Theo các bác sĩ sản khoa, có khoảng ¾ thai phụ sẽ cảm thấy khó thở vào một số thời điểm nhất định trong giai đoạn mang thai. Không chỉ ở những tháng cuối thai kỳ mà nhiều người thậm chí còn bị khó thở khi mang thai những tháng đầu.

nguyen-nhan-khien-me-bau-kho-tho-khi-mang-thai-va-cach-khac-phuc-VOH

Hiện tượng khó thở phần lớn là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Khó thở khi mang thai là một triệu chứng khá bình thường và dường như sẽ đồng hành cùng mẹ bầu cho đến hết thai kỳ. Mặc dù là vậy, nhưng chị em cũng không cần phải quá lo lắng bởi hiện tượng này sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

3. Cách giúp mẹ khắc phục tình trạng khó thở khi mang thai

Phần lớn các mẹ sẽ phải chịu cảnh ‘sống chung’ với tình trạng khó thở đến cuối thai kỳ. Do đó, các mẹ cần nắm được nguyên nhân để có thể đưa ra được các biện pháp xử lý tốt nhất.

Nếu nguyên nhân khó thở là do quần áo chật chội, buồn ngủ, ngửi thấy mùi khó chịu… thì thai phụ cần thay đổi thói quen của mình bằng cách mặc quần áo rộng rãi, phù hợp, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu do nguyên nhân khác thì thai phụ cần được nghỉ ngơi ngay lập tức:

  • Nếu đang nằm hãy đổi tư thế nằm.
  • Nếu đang ngồi, hãy ngồi thẳng lưng, vai đẩy nhẹ lưng về phía sau.
  • Nếu đang ngủ thấy khó thở, thai phụ có thể kê vài chiếc gối nhỏ ở phần thân trên để tránh áp lực của thai nhi chèn lên phổi.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu khó thở khi mang thai và cách khắc phục 2

Tập yoga là một trong những cách giúp kiểm soát nhịp thở tốt cho phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó thở khi mang thai bằng cách tập luyện thể dục để điều hòa và kiểm soát hơi thở của mình được tốt hơn. Yoga, đi bộ và bơi lội đều là những bài tập nhẹ nhàng mà thai phụ có thể áp dụng để cung cấp oxy cho phổi được nhiều hơn.

4. Khi nào thai phụ cần đi gặp bác sĩ?

Thông thường, tình trạng khó thở khi mang thai sẽ không gây hại cho cả mẹ và thai nhi, các mẹ chỉ cần có chế độ làm việc hợp lý, nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, tránh lao động nặng nhọc, quá sức… là có thể tự cân bằng sức khỏe của mình.

Trong những trường hợp thai phụ bị khó thở kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt… thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị huyết áp thấp. Với những chị em có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, tăng huyết áp… thì có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Do đó, nếu trong quá trình mang thai, chị em cảm thấy tình trạng khó thở kéo dài, kèm theo các triệu chứng hen suyễn trầm trọng, nhịp thở nhanh, đau ngực hoặc xuất hiện cảm giác bị đau ở những chỗ khác trên cơ thể khi thở, bị ho liên tục, ho lâu ngày kèm theo sốt, ớn lạnh thì cần đi đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám kịp thời.

Bình luận