Nạo phá thai và những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý ở phụ nữ

(VOH) – Nhiều người cho rằng, nạo phá thai là thủ thuật đơn giản, không gây ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế nạo phá thai để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm lý, thậm chí là tính mạng.

1. Những con số báo động về tình trạng nạo phá thai

Hàng năm, có khoảng 56 triệu trường hợp phá thai trên thế giới, trong đó có 20 triệu trường hợp phá thai không hợp pháp.

Thông tin đăng trên trang nhandan.com.vn chia sẻ, đánh giá của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất khu vực Đông – Nam Á cũng như trên thế giới.

Theo Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 nghìn nạo phá thai được báo cáo chính thức. Còn số liệu từ Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 – 30% các ca nạo phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 – 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 – 19 tuổi. Trong đó, khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên.

nao-pha-thai-va-nhung-he-luy-ve-suc-khoe-tam-ly-o-phu-nu-voh

Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao ở Đông - Nam Á và thế giới (Nguồn: Internet)

Từ các số liệu trên cho thấy, tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đang ở mức cao và dù do bất kỳ nguyên nhân nào, việc nạo phá thai luôn tiềm tàng những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người phụ nữ. Chưa kể đến những trường hợp phá thai tại nhà, phá thai chui tại các cơ sở y tế không đảm bảo sẽ càng gia tăng thêm hậu quả của việc nạo phá thai.

2. Nạo phá thai và hậu quả “tiềm ẩn” phía sau

Nạo phá thai được hiểu là sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ phôi hay thai nhi ra khỏi tử cung trước khi đến kỳ sinh nở.

Y học ngày càng tiến bộ với nhiều phương pháp phá thai an toàn như:

  • Phá thai bằng thuốc: Tuổi thai từ 5 – 7 tuần vô kinh
  • Phá thai bằng phương pháp hút chân không: Tuổi thai từ 6 – 12 tuần vô kinh.
  • Phá thai bằng nong và gắp thai: Tuổi thai > 12 tuần đến 17 tuần vô kinh.
  • Kovac phá thai to: Tuổi thai > 17 tuần đến 22 tuần vô kinh (Phương pháp chỉ áp dụng đối với những trường hợp thật sự khẩn cấp).

Tuy nhiên, dù thực hiện nạo phá thai bằng phương pháp nào thì các biến chứng trong y khoa điều không thể tránh khỏi và những hậu quả mà chị em nhận lãnh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn cả sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

3. Hậu quả của việc nạo phá thai đối với sức khỏe

Phụ nữ nạo phá thai sẽ phải đối mặt với những vấn đề sau đây:

3.1 Vô sinh

Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc nạo phá thai chính là tình trạng vô sinh. Khoảng 20% các ca điều trị vô sinh đều có tiền sử nạo phá thai. Phá thai gây vô sinh có thể đến từ nhiều hình thức phá thai không an toàn như: phá thai tại nhà, phá thai bằng mẹo dân gian, thuốc Đông y và đặc biệt là hình thức phá thai tại các cơ sở phá thai chui, không hợp pháp...

Các bác sĩ cho biết, dù là phá thai lần đầu hay nhiều lần thì cũng đã gây tổn thương cho tử cung. Những tổn thương sâu có thể gây thủng tử cung, tắc vòi trứng... và dẫn đến hệ quả vô sinh.

Ngoài ra, nạo phá thai không đúng cách và không an toàn còn có thể gây viêm nhiễm, dẫn tới nhiều căn bệnh khác cho phụ nữ như: rong kinh, rối loạn nội tiết tố, đau bụng dữ dội...

3.2 Viêm nhiễm vùng chậu

nao-pha-thai-va-nhung-he-luy-ve-suc-khoe-tam-ly-o-phu-nu-1-voh

Nạo phá thai không an toàn có thể gây viêm nhiễm vùng chậu (Nguồn: Internet)

Các nguyên nhân chính gây bệnh viêm nhiễm vùng chậu cấp tính là do nạo hút thai, vệ sinh kinh nguyệt kém... Viêm nhiễm vùng chậu kéo dài sẽ là tác nhân gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như lậu cầu, chlamydia, mycoplasma,  virus herpes).

Các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng chậu là đau lưng, đau bụng, tăng mùi hôi của dịch tiết âm đạo. Nếu không điều trị triệt để sẽ rất dễ tái phát và gây vô sinh.

3.3 Dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung là một trong những biến chứng mà phụ nữ có thể gặp phải sau khi nạo phá thai. Căn bệnh này không phải xảy ra tức thì mà diễn biến từ từ, biểu hiện bên ngoài có thể nhận thấy chỉ là kinh ít hoặc vô kinh.

Buồng tử cung bị dính sẽ khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày lên rất ít hoặc không thể dày lên để chuẩn bị cho phôi thai làm tổ khiến phụ nữ rất khó có thai hoặc thai không phát triển. Có khoảng 15% trường hợp sảy thai do thai không thể bám được vào tử cung.

Những phụ nữ nạo phá thai lần 2 sẽ tăng nguy cơ dính buồng tử cung lên 83% so với nạo lần đầu và có đến 68% phụ nữ bị hiếm muộn thứ phát khi nạo phá thai từ 2 lần trở lên.

3.4 Rối loạn ăn uống

Phụ nữ sau khi nạo phá thai sẽ có những biến đổi nhất định tại trung tâm kích thích ăn uống ở não. Điều này sẽ làm cho chị em cảm thấy chán ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng hoặc thèm ăn vô độ và dẫn đến béo phì.

4. Tác hại của việc nạo phá thai đối với tâm lý

Hậu quả của phá thai không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản mà còn để lại những sang chấn tâm lý khôn lường.

4.1 Bệnh trầm cảm

Với nhiều phụ nữ, phá thai là một điều không mong muốn, là chấm dứt sự sống của một cơ thể nhỏ bé nên họ cảm thấy buồn bã, tội lỗi. Khoảng 5 – 30% phụ nữ sau khi nạo phá thai có biểu hiện của bệnh trầm cảm và điều này có thể làm tăng nguy cơ tự sát ở người phụ nữ sau khi phá thai.

nao-pha-thai-va-nhung-he-luy-ve-suc-khoe-tam-ly-o-phu-nu-2-voh

Phụ nữ sau khi phá thai bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý (Nguồn: Internet)

4.2 Rối loạn tâm lý

Theo báo cáo khảo sát tại TPHCM, sang chấn tâm lý ở trẻ vị thành niên có biểu hiện suy nhược thần kinh là 27.5% trong các trường hợp phá thai, nhẹ chiếm 63.4% và nặng là 9.09%, nguyên nhân là do không được sự ủng hộ và thông cảm từ gia đình, xã hội.

Nạo phá thai khiến nữ giới cảm thấy tổn thương tinh thần, ám ảnh tâm lý vì cảm giác hoang mang, hoảng loạn, day dứt rất lâu về sau. Bên cạnh đó, việc bị người khác miệt thị và có thái độ chỉ trích dễ làm cho người phá thai lo sợ, tự ti, ngại trao đổi và dần dần hình thành tâm trạng trầm uất, tự kỷ...thậm chí bị tâm thần.

Nhiều trường hợp chọn phá thai khi suy nghĩ còn quá nông nổi hoặc những điều kiện khách quan không cho phép (còn đi học, bị lạm dụng xâm hại thân thể, do thiếu hiểu biết về giới tính...) cũng có thể gây ra những áp lực tâm lý nặng nề về sau.

5. Tác động của việc nạo phá thai đối với gia đình, xã hội

Nạo phá thai luôn là vấn đề đáng báo động của xã hội. Rất nhiều trường hợp phá thai không an toàn phải chịu di chứng về sinh sản, điển hình là phụ nữ bị mất đi khả năng làm mẹ, ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống và sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Di chứng phá thai không an toàn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người phụ nữ mà còn tác động đến hạnh phúc gia đình. Các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn do nạo phá thai nhưng vợ chồng thiếu đồng cảm chia sẻ  dễ dẫn đến rạn nứt, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy như: bạo lực gia đình, vướng vào tệ nạn xã hội, tha hóa về nhân phẩm và đạo đức...

Nói chung, nạo phá thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Chính vì thế, chỉ khi nào trong tình trạng “chữa cháy” hay “vạn bất đắc dĩ” các chị em mới nên thực hiện nạo phá thai. Và hãy nhớ rằng, phải đến các cơ sở y tế hợp pháp để được xử lý nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.

Bình luận