Đừng chủ quan với bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

(VOH) - Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là một bệnh cấp tính do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ.

Theo các số liệu thống kế, có khoảng 20 – 50% các trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tử vong và chỉ đứng sau chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.

1. Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là gì?

Bệnh nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) ở trẻ sơ sinh là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của trẻ, sinh ra độc tố khiến trẻ bị trúng độc. Đa số các trường hợp nhiễm trùng máu ở trẻ em là do sự tấn công của các loại vi khuẩn như vi khuẩn E.coli, liên cầu, Listeria, tụ cầu, vi khuẩn Klebsiella, Pseudomonas...

dung-chu-quan-voi-benh-nhiem-trung-mau-o-tre-so-sinh-voh

Nhiễm trùng máu là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao là do các loại vi khuẩn được lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh nở. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng có thể bị lây nhiễm từ người chăm sóc (vi trùng, vi khuẩn thường trú trên da).

2. Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh thường rất đa dạng và dễ bị ‘nhầm lẫn’ với nhiều căn bệnh khác. Tuy nhiên, đa số các trường hợp trẻ có những biểu hiện sau đây thì nhiều khả năng trẻ bị nhiễm trùng máu:

  • Trẻ buồn ngủ hoặc ngủ li bì
  • Trẻ bị sốt cao từ 39 độ C hoặc cao hơn
  • Trẻ có biểu hiện vàng da, tím tái hoặc xám. Một số trường hợp da trẻ xanh (do thiếu máu).
  • Suy hô hấp làm cho trẻ thở nhanh hoặc chậm.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa như: tiêu chảy, buồn nôn, bụng trướng, căng...
  • Trong trường hợp nặng, bệnh nhi có thể bị suy thận cấp và tiểu ít.

Tùy vào loại vi khuẩn xâm nhập vào máu mà trẻ sẽ có những biểu hiện lâm sàng sớm hoặc muộn khác nhau. Tiên lượng bệnh và thời gian sử dụng kháng sinh cũng khác nhau. Chẳng hạn:

  • Nếu máu nhiễm liên cầu nhóm B thì triệu chứng thường xuất hiện sau khi sinh 3 – 4 giờ, muộn hơn sẽ từ 1 – 2 tuần sau sinh với biểu hiện của bệnh là viêm phổi, viêm màng não mủ...
  • Nếu máu nhiễm vi khuẩn tụ cầu (ít gặp hơn) thì thường sẽ có diễn tiến nặng với những biểu hiện ở xương và da (viêm da nhiễm trùng).

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ

Thông thường, để có thể chẩn đoán trẻ có đang mắc bệnh nhiễm trùng máu hay không, bác sĩ sẽ phải tiến hành các thủ thuật sau đây:

  • Cấy máu
  • Cấy nước tiểu và phân tích nước tiểu
  • Đôi khi sẽ có thêm những xét nghiệm máu hay phân hoặc chọc dò tủy sống.

dung-chu-quan-voi-benh-nhiem-trung-mau-o-tre-so-sinh-1-voh

Bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh thông qua xét các nghiệm cấy máu, cấy nước tiểu... (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân là do bác sĩ không thể chẩn đoán chính xác các triệu chứng bé bị sốt, ngủ li bì, da xanh... là do nhiễm khuẩn máu gây ra. Muốn chắc chắn thì cần phải xác định bằng cách nuôi cấy máu. Vi khuẩn thường quá ít hay quá nhỏ, không thể dễ dàng thấy được nên bác sĩ sẽ gửi mẫu máu của bé đến phòng thí nghiệm để có kết quả chuẩn xác nhất.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ở bất kỳ độ tuổi nào bị sốt và có xuất hiện triệu chứng bệnh nghiêm trọng, bất kể đã có tiêm chủng hay không thì cũng đều cần làm xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu và dịch não tủy. Bác sĩ sẽ lấy dịch não tủy bằng phương pháp chọc dò tủy sống (rút một mẫu dịch tủy sống bằng một cây kim nhỏ). Tất cả các mẫu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Và nếu kết quả phân tích xác định chính xác trẻ đã bị nhiễm trùng máu, bác sĩ sẽ cho bé nhập viện, làm kháng sinh đồ để tìm ra loại thuốc đặc trị với loại vi trùng gây bệnh.

Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu có kèm theo viêm màng não mủ thì thời gian dùng kháng sinh đặc trị sẽ phải kéo dài ít nhất 3 tuần. Ngoài ra, còn phải được điều trị tích cực các triệu chứng đi kèm như: tình trạng mất nước, trẻ co giật do nôn nhiều...

4. Biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Các bác sĩ cho biết, nhiễm trùng máu ở trẻ đều có liên quan nhiều đến bà mẹ trong thời kỳ mang thai, điều kiện và môi trường nuôi dưỡng, thời gian chuyển dạ, thời gian vỡ ối, tình trạng can thiệp lúc sinh.... Vì thế, mỗi bà mẹ cần nhớ:

  • Nâng cao kiến thức về việc chăm sóc thai nghén.
  • Cần thăm khám thai định kỳ, nếu phát hiện viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh lây qua đường tình dục thì phải được điều trị triệt để.
  • Khi sinh, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, chất lượng để được theo dõi và đảm bảo dụng cụ, phòng ốc cho thai phụ trong lúc sinh nở, tránh nhiễm khuẩn.
  • Trong quá trình chăm sóc trẻ, người chăm sóc cần phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh lây lan và tái nhiễm cho trẻ. Dùng tã cho bé, quần áo, mũ, khăn,...sạch sẽ, vô trùng. Đặc biệt, khi thấy trẻ có những triệu chứng nêu trên hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám chính xác.

Trên đây là những thông tin về bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh cũng như cách điều trị và phòng ngừa. Hi vọng với những chia sẻ hữu ích này sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm những kiến thức về căn bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ.

Bình luận