Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Nhiễm trùng rốn không phải là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên căn bệnh này có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ nếu không được chăm sóc đúng cách.

Hiện nay, tình trạng trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn đã phần nào được khắc phục bởi các vấn đề về nơi sinh, kỹ thuật và cách chăm sóc trẻ sơ sinh cũng đã được cải thiện. Thế nhưng vì sao vẫn còn xảy ra tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh? Những thông tin về vấn đề này sẽ được Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ ngay sau đây.

1. Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh là gì ?

Nhiễm trùng rốn là nhiễm trùng cuống rốn sau khi sinh, có thể khu trú hoặc lan rộng, không còn ranh giới bình thường giữa da và niêm mạc rốn chỗ thắt hẹp và vùng xung huyết sẽ lan rộng ra thành bụng kèm theo phù nề, rỉ dịch hôi, đôi khi có mủ.

Theo chia sẻ từ bác sĩ Cam Ngọc Phượng, một số tác nhân tạo nên nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh là: các loại vi khuẩn tụ cầu vàng từ ngoài da vào trong rốn, vi trùng Ram (-) từ đường ruột thông qua phân gây nhiễm trùng lên rốn hoặc do vi trùng uốn ván từ các loại dụng cụ hỗ trợ sinh không được vô trùng.

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

  • Do cha mẹ thiếu kiến thức trong quá trình chăm sóc trẻ.
  • Sử dụng một số cách dân gian như bôi hoặc đắp đắp lá, rắc phấn rôm,… hay dùng các chất lạ lên rốn trẻ sơ sinh.
  • Một số trường hợp mẹ sinh tại nhà, sử dụng dụng cụ cắt rốn trẻ không được vô trùng.

nhiem-trung-ron-tre-so-sinh-nguy-hiem-the-nao-VOH

Nhiễm trùng rốn trẻ sơ sinh phần lớn do cách chăm sóc cha mẹ chưa đúng cách (Nguồn: Internet)

Chính từ những nguyên nhân trên sẽ dẫn đến tình trạng rốn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến uốn ván rốn – một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

Bác sĩ Phượng cho biết, hiện có 2 dấu hiệu được xem là đặc trưng nhất của tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ có thể nhận biết được tại chỗ chính là:

  • Ngay tại chân rốn của trẻ sơ sinh bị đỏ và sưng.
  • Tại vùng rốn trẻ sơ sinh có tiết ra chất dịch mủ có mùi hôi.
  • Ngoài ra, một số dấu hiệu khác kèm theo như trẻ bị sốt cao trên 38 độ C, bé thở nhanh (nhịp thở trên 60 lần/ phút), bé bị vàng da…
group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

3.1. Những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn

Theo bác sĩ Phượng, rốn là con đường di chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau của người mẹ đến thai nhi và dây rốn cũng sẽ được nối thẳng vào gan của trẻ.

Chính vì thế, một khi rốn bị nhiễm trùng thì tình trạng nhiễm trùng này sẽ đi đến gan rất nhanh, thậm chí có thể đi vào máu và gây nhiễm trùng máu trẻ sơ sinh, đặc biệt nguy cơ tử vong ở trẻ cũng rất cao (40 – 80% ).

Bên cạnh đó, nếu nhiễm trùng rốn xảy ra trên cơ địa của một em bé sinh non, bé nhẹ cân hay xảy ra trên cơ thể của một em bé sinh tại nhà thì khả năng trẻ bị uốn ván rốn là rất cao.

4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn ?

Khi cha mẹ quan sát rốn trẻ sơ sinh và thấy rốn trẻ bị sưng đỏ, có tiết ra dịch hôi thì điều đầu tiên cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế khám ngay.

Tai đây, các bác sĩ sẽ lấy các dịch mủ rốn để làm xét nghiệm nhằm xác định loại vi trùng, vi khuẩn đang gây nhiễm trùng rốn cho trẻ. Sau đó, bác sĩ đánh giá mức độ nhiễm trùng rốn để có hướng điều trị phù hợp.

Theo tổ chức y tế Thế Giới có 3 mức độ đánh giá nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh gồm:

  • Mức độ nhẹ: Tình trạng sưng, đỏ chỉ diễn ra ngay tại chân rốn trẻ sơ sinh.
  • Mức độ trung bình: Mức độ sưng đỏ diễn ra ngay tại chân rốn lan ra xung quanh với đường kính dưới 2cm. Kèm theo các triệu chứng sốt, vàng da ở trẻ sơ sinh
  • Mức độ nặng: Tình trạng sưng, đỏ lan rộng hơn 2cm và bắt đầu hoại tử xuống lớp cơ dưới da trẻ. Cùng với đó là các triệu chứng của nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

nhiem-trung-ron-tre-so-sinh-nguy-hiem-the-nao-1-VOH

Tùy vào mức độ nhiễm trùng rốn sẽ có những cách điều trị khác nhau (Nguồn: Internet)

Tùy vào mức độ nhiễm trùng ở trẻ mà các bác sĩ sẽ có những cách xử lý cụ thể khác nhau.

  • Mức độ nhẹ thường sẽ được cho uống kháng sinh kết hợp với việc vệ sinh vùng rốn tại chỗ bằng dung dịch cồn 70%
  • Mức độ trung bình, trẻ sơ sinh bắt buộc phải nhập viện để tiến hành điều trị bằng cách chích kháng sinh tĩnh mạch. Thời gian điều trị có thể kéo dài khoảng 7 ngày.
  • Mức độ nặng, việc điều trị diễn ra khác phức tạo bởi không chỉ chích kháng sinh chữa nhiễm trùng rốn mà bác sĩ còn kết hợp điều trị các triệu chứng của các bệnh lý khác kèm theo. Do đó, thời gian điều trị thường sẽ kéo dài trên 14 ngày.

5. Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào là đúng cách ?

Hiện nay vẫn còn có nhiều bậc cha mẹ bôi thuốc đỏ, cồn, I-ốt hay phấn rôm vào vùng rốn của trẻ với suy nghĩ sẽ giúp rốn trẻ mau khô hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, những cách làm trên điều là những cách làm không hề tốt cho trẻ mà cha mẹ cần bỏ ngay.

Ở một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh theo phương pháp Chăm sóc rốn khô. Phương pháp này được hiểu như sau: Khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành kẹp rốn trẻ, khi rốn bắt đầu khô sẽ được tháo kẹp ra và để hở hoàn toàn. Rốn trẻ sơ sinh cũng sẽ không được bôi bất kỳ một loại thuốc hay dung dịch nào.

Để rốn trẻ sơ sinh mau rụng thì rốn trẻ cần phải khô và rốn cần có không gian hở để có thể tiếp xúc được với không khí. Do đó, khi cha mẹ bôi hoặc đắp bất cứ một loại dung dịch nào lên rốn thì cũng sẽ làm rốn trẻ lâu rụng hơn và nguy cơ nhiễm trùng cũng sẽ cao hơn.

nhiem-trung-ron-tre-so-sinh-nguy-hiem-the-nao-2-VOH

Để rốn sạch và khô là cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)

Nhiều người nghĩ rằng việc băng kín rốn trẻ sơ sinh sẽ giúp tránh được các loại vi trùng xâm nhập, thế nhưng thực tế việc băng kín rốn trẻ không hề che bớt vi trùng mà ngược lại còn khiến rốn bị ẩm, ướt, không bốc hơi được, từ đó dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rốn.

Một số người còn thường xuyên bôi cồn lên rốn trẻ sơ sinh vì muốn rốn trẻ mau rụng, nhưng theo bác sĩ Phượng việc bôi cồn lên rốn trẻ chỉ khiến rốn trẻ lâu lành hơn. Nguyên nhân là do các thành phần trong cồn sẽ gây ức chế các đại thực bào trong rốn khiến quá trình rụng rốn không thể diễn ra.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nên lưu ý trong quá trình chăm sóc rốn trẻ sơ sinh việc giữ vệ sinh bàn tay của mình cũng cực kỳ quan trọng bởi nó có thể trở thành nguồn lây bệnh qua cho bé mà chúng ta không hề hay biết.

Tốt nhất, trước khi và sau khi chăm sóc trẻ, cha mẹ nên rửa sạch tay. Ngoài ra, cần giữ cho rốn trẻ luôn được sạch và khô bằng cách.

  • Quấn tã dưới phần rốn của trẻ.
  • Không đặt trẻ sơ sinh vào chậu nước tắm khi rốn trẻ còn ‘tươi’.
  • Không đắp, bôi bất cứ chất gì lên rốn trẻ.

Hy vọng với những chia sẻ từ bác sĩ Cam Ngọc Phượng về những nguy hiểm khi trẻ bị nhiễm trùng rốn, cũng như những cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh an toàn, khoa học sẽ giúp các bậc cha mẹ phần nào hiểu rõ hơn về vấn đề này để có thể chăm sóc bé được tốt hơn.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện với bác sĩ tại audio bên dưới:

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận