Những lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé khi nuôi con bằng sữa mẹ

(VOH) – Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho con đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu trong những năm đầu đời. Vậy nuôi con bằng sữa mẹ mang đến những lợi ích gì?

Ngày nay, dù đã có khá nhiều loại sữa bột công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng sữa mẹ vẫn được coi là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế được.

Theo Tổ chức y tế Thế giới, mẹ nên cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu, tại Việt Nam, các bác sĩ sản khoa và nhi khoa thường khuyên các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn  bằng sữa mẹ trong 4 – 6 tháng đầu tiên, sau đó tập cho trẻ ăn dặm kèm theo bú sữa mẹ hết 1 tuổi hoặc sau 1 tuổi, tùy vào nhu cầu và mong muốn của mẹ và bé.

1. Tại sao nên nuôi con bằng sữa mẹ?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì trong sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển của cơ thể trẻ. Sữa mẹ cũng là nguồn dinh dưỡng dễ tiêu hóa và hấp thu đối với trẻ.

Trong sữa mẹ, hàm lượng protein (đạm) thấp hơn sữa động vật nên rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan (còn được gọi là protein sữa) nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ.

Lipid (chất béo) trong sữa mẹ chiếm 50% năng lượng, thành phần acid béo không no nhiều hơn acid béo no. Sữa mẹ có đủ các loại acid béo cần thiết, giúp cho quá trình hoàn thiện não bộ, võng mạc và làm bền vững mạch máu.

Carbohydrate (glucid và đường) trong sữa mẹ nhiều hơn sữa bò, cung cấp năng lượng, 85% là lactose giúp tăng cường hấp thu canxi và 15% là oligosaccharid hỗ trợ cho sự phát triển vi khuẩn có lợi cho trẻ.

Ngoài ra, sữa mẹ có đầy đủ các vitamin (A, B1, B2, C, ... ), khoáng chất (canxi, photpho...) và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng,...) đáp ứng được nhu cầu phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ, giúp bé phòng chống thiếu vi chất và bảo vệ cơ thể chống quá trình oxy hóa.

nhung-loi-ich-tuyet-voi-cho-ca-me-va-be-khi-nuoi-con-bang-sua-me-1-voh

2. Các loại sữa mẹ

  • Sữa non: Là loại sữa được tiết ra trong 3 ngày đầu sau sinh. Sữa non đặc quánh, có màu vàng nhạt, chứa nhiều đạm hơn sữa trường thành.
  • Sữa trưởng thành: Sau 3 – 4 ngày sữa non sẽ chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm cho 2 bầu vú mẹ đầy, căng cứng (được gọi là hiện tượng xuống sữa).
  • Sữa đầu dòng: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu dòng có màu trắng trong, thường cung cấp đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.
  • Sữa cuối dòng: Là sữa tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Sữa cuối dòng có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng giúp trẻ lớn nhanh hơn.

3. Những lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ

Theo BS Trần Thị Huyên Thảo – Sách Chào con ba mẹ đã sẵn sàng, việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang đến lợi ích cho bé yêu mà còn cho cả bà mẹ. Cụ thể như sau:

3.1 Lợi ích của sữa mẹ dành cho bé

  • Giảm đáng kể tần suất nhiễm trùng ở trẻ

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, bé yêu sẽ giảm gần ¾ nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Ngoài ra, nếu được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, bé sẽ giảm nguy cơ viêm phổi đến 4 lần so với những bé bị cai sữa mẹ từ 4 tháng tuổi.

Khi so sánh trẻ bú sữa công thức hoàn toàn với trẻ bú mẹ bất kể thời gian dài hay ngắn thì việc cho trẻ bú mẹ cũng giúp làm giảm 23% nguy cơ viêm tai giữa và 63% nguy cơ bị cảm lạnh nặng cũng như nhiễm trùng hầu họng.

Không những thế, khi nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách sẽ giúp con giảm 64% nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa và tác dụng bảo vệ này kéo dài đến 2 tháng sau khi mẹ ngưng cho con bú mẹ.

  • Giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường ở trẻ trong suốt cuộc đời

nhung-loi-ich-tuyet-voi-cho-ca-me-va-be-khi-nuoi-con-bang-sua-me-voh

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ được bú mẹ có ít nguy cơ bị thừa cân và béo phì ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành. Thời gian cho con bú càng dài thì nguy cơ bị thừa cân béo phì sẽ càng giảm.

Nếu mẹ cho con bú sữa mẹ từ 3 tháng trở lên là mẹ đã giúp bé giảm đến 30% nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuyp 1 và 40% nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuýp 2.

  • Giảm nguy cơ khởi phát sớm các bệnh đường ruột mãn tính

Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít có nguy cơ bị bệnh viêm đường ruột mãn tính khởi phát sớm ở thời thơ ấu. Đồng thời, khi trẻ đang bú mẹ và được cho ăn dặm (sau 6 tháng tuổi) các thức ăn có chứa gluten, trẻ sẽ giảm hơn 50% nguy cơ bị bệnh Celiac – bệnh đường ruột tự miễn kích thích bởi gluten.

  • Giảm nguy cơ bị dị ứng

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn từ 3 – 4 tháng trở lên, trẻ sẽ ít bị các triệu chứng của bệnh suyễn, viêm da dị ứng và chàm hơn các trẻ khác. Đối với trẻ có nguy cơ dị ứng thấp, việc được cho bú mẹ có thể giảm đến gần 1/3 nguy cơ bệnh. Đối với trẻ có nguy cơ cao, có thể giảm đến 40% nguy cơ phát bệnh.

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư máu và ung thư tế bào lympho

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ từ 6 tháng trở lên nguy cơ mắc bệnh ung thư máu và ung thư tế bào lympho thấp hơn hẳn so với dân số bình thường từ 15 – 20%. Thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng giảm.

  • Giảm nguy cơ SIDS (Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi)

Đây là một hội chứng khá phổ biến ở các nước phát triển. Trong hội chứng này, trẻ đột ngột tử vong mà không rõ nguyên nhân, trong năm đầu đời của trẻ. Tại Việt nam, chưa có nhiều nghi nhận về hội chứng này. Thế nhưng, các nghiên cứu cho biết, việc cho trẻ bú mẹ có thể giảm 36% nguy cơ bị Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi.

Đồng thời, nếu thực hiện đúng cách nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu của trẻ và chỉ cai sữa cho bé sau 1 tuổi được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất trong việc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, trẻ được bú mẹ trên 3 tháng có thể phát triển trí tuệ tốt hơn trẻ bú sữa công thức. Với chỉ số thông minh cũng được đánh giá là cao hơn so với những bé bú sữa công thức.

3.2 Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với người mẹ

Cho con bú bằng sữa mẹ sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ mất máu sau sinh và tử cung của mẹ cũng được thu về nhanh hơn. Đồng thời,  mẹ cũng có thời kỳ vô kinh (không có kinh nguyệt) dài hơn trong khi cho trẻ bú. Đây cũng là một trong những phương pháp tránh thai sau sinh khá hiệu quả.

Đối với các mẹ không bị tiểu đường trong thai kỳ, việc cho con bú mẹ giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường tuyp 2 ở mẹ về lâu dài và cho con bú càng lâu, nguy cơ giảm càng nhiều.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, tổng thời gian cho con bú trong đời của mẹ (tính theo từng đứa trẻ sinh rồi cộng lại), có liên quan đến việc giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu và giảm cả nguy cơ ung thư ngực và ung thư buồng trứng.

Tóm lại, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh và trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng để đảm bảo sự phát triển toàn diện nhất về thể chất và tinh thần.

Bình luận