Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) – Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường gặp khó khăn khi giao tiếp cũng như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình. Do đó, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ để giúp bé khắc phục.

Trẻ khỏe mạnh, thông minh thường phát triển ngôn ngữ rất nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ có ngôn ngữ tốt thường sẽ có trí tuệ phát triển. Thế nhưng, trên thực tế có những trẻ không phát triển ngôn ngữ bình thường theo độ tuổi và nhiều người gọi đó là rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

1. Rối loạn ngôn ngữ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ là một rối loạn giao tiếp, trong đó một người gặp khó khăn liên tục trong việc học và sử dụng các hình thức ngôn ngữ khác nhau (ví dụ như nói, viết, ngôn ngữ ký hiệu...). Trẻ nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ thường ở 2 dạng là: Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận (chậm hiểu lời) và Rối loạn ngôn ngữ thể hiện (chậm nói).

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ. Đó có thể là một bệnh lý thực thể cản trở bé phát âm đúng các từ, đó cũng có thể là rối loạn trong quá trình xử lý ngôn ngữ, khi cơ thể không có khả năng chuyển tải một cách hiệu quả thông điệp giữa não và phần cơ thể phụ trách lời nói.

2. Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

Bình thường từ 2 - 3 tháng, trẻ bắt đầu phát âm họng líu lo; từ 7 - 9 tháng sẽ bập bẹ tập nói “ba ba”, “ma ma”... Từ 12 - 15 tháng, trẻ nói được vài từ đơn giản. Tuy nhiên, theo thống kê thì có khoảng 3%– 5% trẻ có rối loạn về tiếp thu ngôn ngữ hay bày tỏ ngôn ngữ hoặc cả hai khi trẻ lên 4 tuổi.

Các bác sĩ nhận định, nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường xuất phát từ nhiều yếu tố. Một số yếu tố thường gặp là:

2.1 Do bệnh lý thực thể

Hở hàm ếch là một ví dụ điển hình của bệnh lý ở miệng ảnh hưởng tới lời nói. Trẻ bị hở hàm ếch sẽ tạo ra một khe nứt rộng giữa hai bờ môi. Đây là một dị tật bẩm sinh có thể gây trở ngại cho việc không khí đi qua cổ họng, mũi và miệng.

Thắng lưỡi (phanh lưỡi) ngắn bất thường cũng làm hạn chế cử động của đầu lưỡi và ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ. Ngoài ra, các bệnh lý về thần kinh như bại não, loạn dưỡng cơ, chấn thương não cũng có thể ảnh hưởng tới các cơ cần thiết cho việc nói.

2.2 Bệnh lý vận động, xử lý âm thanh

Nhiều trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là do gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm về nói, ví dụ như bệnh loạn vận ngôn (mất phối hợp động tác trong việc nói). Hoặc môi, lưỡi và hàm không thực hiện được chức năng tạo ra một số từ nhất định.

Rối loạn xử lý âm thanh là tình trạng mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói, từ đó khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ hoặc chậm phát triển ngôn ngữ hơn các trẻ khác.

2.3 Chậm phát triển nói chung

roi-loan-ngon-ngu-o-tre-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em có thể liên quan đến các vấn đề chậm phát triển khác (Nguồn: Internet)

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ có thể liên quan đến các vấn đề chậm phát triển khác. Mặc dù mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng, tuy nhiên, nếu nhận thấy việc phát triển ngôn ngữ hơn, phát triển vận động, nhận thức của trẻ chậm hơn những bạn nhỏ khác thì cha mẹ cũng nên qua tâm.

Rối loạn ngôn ngữ liên quan tới chậm phát triển có thể bao gồm trẻ nói rất ít (hoặc hoàn toàn không nói), có vẻ không hiểu những gì người khác nói, nhại lại lời người khác hoặc nói không biểu cảm, không ngữ điệu.

2.4 Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, bệnh tử kỷ

Khuyết tật về phát triển và trí tuệ (hội chứng Fragile) là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Cha mẹ có thể thấy các triệu chứng như khuôn mặt bị kéo dài, tai, trán và cằm bị nhô ra, nói lắp.

Bệnh khó học cũng có thể dẫn đến căn bệnh này. Nguyên nhân là do não hoạt động không hiệu quả, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc phát ra âm thanh, lời nói, sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp.

Trẻ bị bệnh tự kỷ sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và rối loạn ngôn ngữ thường là biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ.

2.5 Bệnh lý về thính giác, viêm tai giữa

Trẻ gặp các vấn đề về thính giác cũng có thể dẫn đến chứng rối loạn ngôn ngữ. Trẻ mất thính lực sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ của người xung quanh cũng như giọng nói của chính mình. Khả năng hiểu và nắm bắt các từ của trẻ thường thấp, không thể bắt chước các từ và nói đúng hoặc nói trôi chảy.

Trẻ em dưới 3 tuổi thường rất dễ mắc bệnh về viêm tai giữa. Bệnh nếu được điều trị kịp thời sẽ không ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, nếu viêm tai giữa mạn tính thì lại có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ ở trẻ cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.

2.6 Yếu tố môi trường, trẻ sinh non

Trẻ không được quan tâm, không được nghe những người khác nói sẽ khó có thể phát triển ngôn ngữ tốt. Ngoài ra, những trẻ sinh non sẽ dẫn tới nhiều dạng chậm phát triển, trong đó có rối loạn ngôn ngữ.

3. Triệu chứng nhận biết trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường không có biểu hiện rõ rệt nào. Chỉ khi cha mẹ chú ý kỹ vào những biểu hiện hàng ngày của trẻ mới có thể phát hiện được. Những triệu chứng khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là:

  • Bỏ sót âm vị: Đây là tình trạng mà bé bỏ sót một âm vị đầu hay cuối như thường nói “a” thay vì “ba”, “uốn” thay vì “uống”.
  • Thay thế âm vị: Là tình trạng bé thay thế một âm vị này bằng một âm vị khác, chẳng hạn như “rồi” biến thành “gồi’.
  • Âm rung lưỡi: Bé không thể phát âm được chữ “r” và “s”,  ví dụ như cái “gổ” thay vì “rổ”...
  • Bất thường trong giọng nói: Nếu giọng nói của bé nghe có vẻ khàn hoặc có sự thay đổi ngẫu nhiên trong tông giọng thì bé có khả năng gặp phải các vấn đề liên quan đến âm thanh giọng nói.
  • Nói lắp: Là tình trạng mà bé cứ lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ, trọng âm, khiến mạch giao tiếp bị gián đoạn. Mẹ có thể thấy tình trạng này khi bé mệt mỏi, bị kích động hoặc bị đưa vào những tình huống khó khăn.
  • Chứng mất phối hợp động tác (Apraxia): Đây là một rối loạn liên quan đến khiếm khuyết thần kinh ở não bộ. Não của trẻ không đưa ra các tín hiệu đến các cơ vùng miệng để tạo ra lời nói chính xác. Ví dụ, trẻ gặp khó khăn khi kết hợp các âm với nhau, khó khăn khi chuyển từ âm này sang âm khác hoặc khó khăn trong việc phối hợp vận động của môi, lưỡi, hàm...

4. Cách điều trị chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

roi-loan-ngon-ngu-o-tre-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-1-voh

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cần có sự phối hợp điều trị từ gia đình, thầy cô và bác sĩ (Nguồn: Internet)

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ cần có sự hợp tác điều trị của người nhà, thầy cô, chuyên gia ngôn ngữ và bác sĩ. Sau đây là những cách điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ cha mẹ nên thực hiện càng sớm càng tốt.

4.1 Kiểm tra sức khỏe

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị rối loạn ngôn ngữ, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thể chất. Cũng như loại trừ các bệnh có liên quan như vấn đề về thính giác hoặc suy giảm giác quan khác.

4.2 Thực hiện âm ngữ trị liệu

Phương pháp điều trị phổ biến cho chứng rối loạn ngôn ngữ là âm ngữ trị liệu. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ rối loạn của trẻ. Thông thường, nếu được điều trị sớm sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

4.3 Tâm lý trị liệu

Những khó khăn trong giao tiếp có thể khiến trẻ có tâm lý khó chịu, ức chế hoặc thậm chí dẫn đến một số hành vi vượt ngoài kiểm soát. Vì thế, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý trị liệu để cân bằng cảm xúc và hành vi.

4.4 Chăm sóc tại nhà

Cha mẹ có thể giúp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tại nhà bằng cách:

  • Kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ bé.
  • Luôn giữ sự thoải mái để giảm bớt lo lắng cho trẻ.
  • Nói rõ ràng, chậm rãi và chính xác khi muốn đặt câu hỏi với trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên liên hệ với giáo viên của trẻ để thảo luận về các hoạt động trong lớp của bé.

5. Ngăn ngừa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.

Trẻ em thường sẽ học nói bằng cách nghe, do đó, cha mẹ có thể ngăn ngừa chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ bằng cách sử dụng từ và phát âm chính xác để giúp bé nghe và học.

Thường xuyên đọc sách cho bé nghe cũng là biện pháp hữu hiệu. Những câu chuyện thú vị có thể thu hút sự chú ý của trẻ và cũng giúp bé học ngôn ngữ nhanh hơn. Hát cho bé nghe những bài hát vui nhộn cũng giúp ích rất nhiều cho việc học nói của trẻ.

Nếu trẻ nói lắp, khi nói chuyện với con cha mẹ hãy nhìn vào mắt bé và nói từ từ. Điều này sẽ giúp trẻ bắt chước theo từng hành động của người lớn. Trẻ nói lắp thường do căng thẳng vì thế hãy tạo cho con một không gian thoải mái và yên bình khi ở nhà để giúp trẻ bớt căng thẳng.

Cha mẹ cũng cần chú ý kỹ với các vấn đề liên quan đến giọng nói ở trẻ nhỏ. Đôi khi, giọng nói của trẻ bị khàn hoặc bị nghẹt có thể là do các vấn đề về hô hấp hoặc đơn giản là do trẻ bị nghẹt mũi.

Bình luận