Sinh mổ bao lâu thì lành, bao lâu thì tầm soát ung thư cổ tử cung?

(VOH) - Ngày nay, có rất nhiều phụ nữ lựa chọn phương pháp sinh mổ. Điều mà nhiều chị em băn khoăn đó là sinh mổ bao lâu thì lành và bao lâu thì có thể tầm soát ung thư cổ tử cung?

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã giải đáp cho những thắc mắc này.

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Em mới thực hiện sinh mổ bắt con. Em có nghe nói về bệnh ung thư cổ tử cung nên em rất sợ. Em muốn hỏi bác sĩ sau khi sinh mổ bao lâu thì em đi tầm soát ung thư cổ tử cung được? Bên cạnh đó, em muốn hỏi bác sĩ sinh mổ bao lâu thì vết thương sẽ lành lại? Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em!

Thính giả: Thúy An

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào bạn!

Thông thường, trong phẫu thuật, sau 1 tuần lễ người ta sẽ cắt chỉ, có nghĩa là vết mổ sẽ lành trong thời gian đó. Tuy nhiên, đối với sinh mổ bắt con, ngoài vết mổ ngoài thành bụng thì còn có vết mổ bên trong thân tử cung nữa. Thời gian vết mổ lành vẫn như nhau nhưng đối với sinh mổ bắt con thì mức độ yếu vẫn còn. Thực tế, khi sinh mổ, vết mổ bên ngoài có thể đã lành nhưng cơ tử cung bên trong có thể vẫn còn rất yếu.

sinh-mo-bao-lau-thi-lanh-bao-lau-thi-tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-voh

Sinh mổ bao lâu thì tầm soát ung thư cổ tử cung? (Nguồn: Internet)

Chính vì thế, sau sinh mổ bạn cần chú ý vấn đề chăm sóc, sử dụng thuốc và chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để cơ tử cung nhanh chóng hồi phục và hoạt động lại bình thường.

Đối với tầm soát ung thư cổ tử cung, ngay sau khi vết thương lành lại, có thể là sau 1 tháng, bạn đi tái khám trở lại để kiểm tra xem cổ tử cung có ổn định hay chưa. Khi đó, bác sĩ sẽ khám và quan sát xem cổ tử cung có tổn thương hay có vết trợt gì không, thậm chí bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem có siêu vi HPV ở cổ tử cung hay không.

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung có thể thực hiện là sinh thiết, lấy dịch tiết từ cổ tử cung, âm đạo để đi thử nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung hay không?

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận