Dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị suy hô hấp ở trẻ em

(VOH) - Suy hô hấp là hội chứng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Suy hô hấp ở trẻ em có thể diễn tiến theo nhiều cấp độ và để lại biến chứng nguy hiểm đến đường thở.

Khi chăm sóc con nhỏ, cha mẹ luôn cần tìm hiểu các bệnh phổ biến ở trẻ và nắm vững các phương pháp phòng ngừa an toàn. Suy hô hấp ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm mà các bậc phụ huynh cần sớm phát hiện để đưa trẻ đi điều trị kịp thời. 

1. Suy hô hấp ở trẻ em là gì?

Suy hô hấp ở trẻ em (bệnh màng trong) là một dạng rối loạn chức năng của hệ hô hấp, lúc này phổi thiếu hoạt chất surfactant, diện tích bề mặt phế nang để trao đổi khí oxy bị giảm, làm gia tăng lượng CO2 trong máu, gây suy hô hấp. 

Có hai dạng suy hô hấp thường gặp là suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mãn tính. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, suy hô hấp cấp tính có tỉ lệ xảy ra cao hơn. 

2. Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ em 

Dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Cha mẹ cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe của con để kịp thời nhận biết những triệu chứng bất thường dưới đây, vì rất có thể bé mắc hội chứng suy hô hấp. 

  • Khó thở: Vì hoạt động trao đổi khí ở phổi không diễn ra bình thường, bé sẽ cảm thấy khó thở, tiếng thở khò khè và đôi khi phải thở bằng miệng. 
  • Nhịp tim nhanh: Nhịp tim sẽ thay đổi rất thất thường, có thể đột ngột tăng nhanh, nếu thiếu oxy trầm trọng hoặc tăng quá nhiều CO2 có thể khiến tim ngừng đập. 
  • Mồ hôi nhiều: Bé đổ mồ hôi nhiều vì tim đập nhanh và dồn dập, phải làm việc vất vả hơn để hoàn thành được nhiệm vụ bơm máu.
  • Ngủ mê: Việc trao đổi và nhận khí oxy vào cơ thể sẽ bị gián đoạn, dẫn đến thiếu oxy trong máu lên não, khiến bé rơi vào tình trạng ngủ mê, bất tỉnh và thậm chí là hôn mê sâu. 
  • Biến sắc: Khi suy hô hấp diễn biến nặng, màu sắc của môi và các đầu ngón chân, ngón tay của bé sẽ chuyển thâm tím, nhợt nhạt. 
  • Lõm khoang liên sườn: Nếu bé gặp khó khăn trong việc hít thở, khu vực khe liên sườn hoặc bên trên xương đòn sẽ lõm xuống khi bé hít vào. 

Xem thêm: Tình trạng khò khè ở trẻ em do nguyên nhân gì? Cách điều trị hiệu quả

3. Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ em 

Trẻ mắc suy hô hấp có thể do nhiều tác nhân gây nên, chính vì vậy trong quá trình chăm sóc bé cha mẹ cần cẩn trọng và không chủ quan. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây suy hô hấp ở trẻ em được các chuyên gia y tế cảnh báo.

3.1. Sinh non

Phổi của trẻ sinh thiếu tháng chưa phát triển hoàn thiện, sẽ co giãn kém hơn do thiếu hoạt chất bề mặt surfactant. 

Ở trẻ sinh non, hệ thống enzym xúc tác tăng tổng hợp surfactant chưa hoàn chỉnh. Do đó ở trẻ sinh non thường có nguy cơ mắc suy hô hấp cao hơn những trẻ khác.

dau-hieu-bien-chung-va-cach-dieu-tri-suy-ho-hap-o-tre-em-voh-0
Sinh non là một trong những nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ (Nguồn: Internet) 

3.2. Hít nước ối

Khi trường hợp suy thai xảy ra, hoạt động ruột của bé gia tăng, giãn cơ vòng hậu môn rồi tống phân su vào dịch nước ối, bé có thể hít phải hỗn hợp phân su và nước ối vào trong phổi, đường khí quản, gây nghẽn đường thở. 

3.3. Viêm phổi

Tình trạng viêm phổi ở trẻ là do vi khuẩn gây viêm nhiễm và làm tổn thương phổi, các túi khí trở nên tắc khiến quá trình trao đổi khí kém hiệu quả hơn so với bình thường. Nếu viêm phổi diễn biến nặng có thể làm suy giảm sức khỏe, gây suy hô hấp.  

3.4. Tiền sử gia đình bị suy hô hấp

Nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình từng mắc suy hô hấp, bé sinh ra cũng có thể bị di truyền bệnh. Chính vì vậy, trong quá trình mang thai, cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe bé thường xuyên. 

Xem thêm: 'Điểm mặt' 10 căn bệnh di truyền qua thế hệ vô cùng nguy hiểm bạn cần đề phòng

3.5. Đa thai

Trường hợp đa thai tức là sẽ có 2 hoặc 3 em bé cùng lớn lên trong tử cung. Nếu sinh đa thai, tỷ lệ em bé sinh non xảy ra thường rất cao và các trẻ sẽ mắc rối loạn về hô hấp. 

3.6. Thiếu máu khi mang thai

Trong thời kì mang thai, nếu mẹ bầu thiếu máu, lượng máu cung cấp cho thai nhi suy giảm sẽ khiến cân nặng của con nhẹ hơn khi sinh, nguy hiểm hơn sẽ có thể sinh non, gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các cơ quan hô hấp. 

4. Chẩn đoán và điều trị suy hô hấp ở trẻ em 

Nếu nhận thấy những bất thường ở trẻ, cần đưa bé tới các cơ sở y tế để được chuẩn đoán chính xác và sớm điều trị bệnh. 

4.1. Phương pháp chẩn đoán suy hô hấp ở trẻ 

Thăm khám và xác định tình trạng bệnh ở trẻ thường khá khó khăn vì các bé có thể không mô tả chính xác những bất thường của mình. Tại các cơ sở chuyên khoa, các bác sỹ sẽ thực hiện nhiều phương pháp để nắm rõ tình trạng bệnh của bé. 

dau-hieu-bien-chung-va-cach-dieu-tri-suy-ho-hap-o-tre-em-voh-1
Bác sỹ sẽ khám lâm sàng và thăm hỏi bệnh của bé (Nguồn: Internet) 
  • Thăm hỏi tiền sử bệnh: Cha mẹ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sỹ về những biểu hiện bất thường quan sát thấy ở bé, tình trạng bệnh trước đó bé từng điều trị cũng như tiền sử bệnh có thể di truyền từ người thân trong gia đình. 
  • Theo dõi nhịp thở: Khi mắc suy hô hấp, bé sẽ hít thở khó khăn hơn, tần số thở sẽ thay đổi thất thường. Nếu ở mức độ nặng, có thể sẽ nghe phổi câm. 
  • Đo nhịp tim: Tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim đều có thể xảy ra vì hoạt động trao đổi khí oxy và CO2 đang mất cân bằng. Có thời điểm sẽ giảm nhịp đập ít hơn 100 lần/phút. 
  • Chụp X quang: Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành chụp X quang phổi của bé để kiểm tra mức độ tổn thương và tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây suy hô hấp. 
  • Tiến hành xét nghiệm: Một vài xét nghiệm sinh hóa máu sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo nồng độ các thành phần trong máu của bé ở mức an toàn.

Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc kết quả các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản

4.2. Điều trị suy hô hấp ở trẻ

Trẻ bị suy hô hấp cần được điều trị đúng thời điểm, đúng hướng để tránh tình trạng biến chứng nguy hiểm xảy đến. 

  • Thông đường thở: Để hoạt động hít thở ổn định, các bác sĩ sẽ tiến hành thông đường thở bằng cách hút dịch đờm ở mũi họng của trẻ.
  • Cung cấp oxy: Tùy theo những diễn biến bệnh của bé, tại các cơ sở y tế sẽ trang bị ống thở hoặc máy thở oxy khi cần thiết, cung cấp oxy nhân tạo đúng thời gian và liều lượng cho phép. 
  • Bơm surfactant: Việc bơm bổ sung surfactant sẽ làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, từ đó khơi thông khí ở phổi. 

5. Biến chứng từ suy hô hấp ở trẻ em 

Suy hô hấp trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp, hoạt động trao đổi và tiếp nhận oxy nên những biến chứng từ bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. 

  • Tổn thương phổi: Tình trạng viêm phổi sẽ trở nên nặng nề hơn khi suy hô hấp chuyển hướng xấu, phổi sẽ hoạt động kém hiệu quả và không khí sẽ tích tụ xung quanh phổi, nguy hiểm hơn có thể chảy máu ở phổi. 
  • Tích tụ không khí trong tim: Hiện tượng tích trữ khí trong tim có thể làm tổn thương màng tim, gây áp lực và làm giảm khả năng hoạt động của tim. 
  • Thiếu oxy não: Hoạt động hít thở bị ảnh hưởng, dẫn tới không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể, gây thiếu hụt oxy trong máu lên não. 
  • Gây đông máu: Cục máu đông nhỏ có thể tự tan ra, nhưng đối với những cục máu đông lớn sẽ ngăn chặn lưu lượng máu trong tĩnh mạch, nguy hiểm hơn chúng bị vỡ ra và di chuyển đến phổi. 

6. Chăm sóc trẻ bị suy hô hấp

Thực hiện các phương pháp chăm sóc hợp lí và an toàn khi con bị suy hô hấp sẽ giúp con mau chóng phục hồi chức năng của hệ hô hấp cũng như thể trạng ban đầu. 

dau-hieu-bien-chung-va-cach-dieu-tri-suy-ho-hap-o-tre-em-voh-2
Theo dõi nhịp thở của trẻ để kịp thời điều trị (Nguồn: Internet)
  • Quan sát nhịp thở: Luôn đảm bảo cung cấp đủ oxy cho con, chú ý theo dõi nhịp thở của bé, nếu thấy có dấu hiệu khò khè nặng, cần liên hệ ngay với bác sỹ. 
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Cần đảm bảo nhà ở luôn được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Các thiết bị y tế dùng để điều trị bệnh phải được vô trùng, diệt khuẩn, hạn chế nguy cơ gây viêm nhiễm cho trẻ. 
  • Chế độ ăn hợp lý: Trẻ mất nhiều sức để hô hấp nên cần tăng thêm lượng thực phẩm, tuy nhiên cần chia nhỏ ra nhiều cữ, tránh để trẻ bị ho, sặc, hoặc trớ, gây khó thở. 

Xem thêm: ‘Thoát khỏi’ 16% tỷ lệ số ca tử vong, nhờ ba mẹ đã áp dụng các cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi sau

7. Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ

Phòng ngừa kĩ càng và chủ động bảo vệ con khỏi các tác nhận gây bệnh là điều mà các chuyên gia y tế khuyến khích các bậc phụ huynh thực hiện, đặc biệt với người mẹ khi mang thai. 

  • Xây dựng lối sống lành mành: Trong thời gian mang thai và sau khi sinh bé, người mẹ tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, tiếp xúc gần với khói thuốc lá, điều này sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
  • Bổ sung dinh dưỡng: Mẹ cần cân bằng thực đơn ăn uống hàng ngày khi mang thai, bổ sung thêm sắt để giảm nguy cơ thiếu máu, kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên. 
  • Hạn chế tiếp xúc người bệnh: Khả năng miễn dịch của trẻ còn yếu nên rất dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây viêm nhiễm xâm nhập vào cơ thể, chính vì vậy cần hạn chế cho con đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp. 

Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con khỏi các bệnh đường hô hấp nguy hiểm, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp ở trẻ. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận